Hiệu trưởng trường PTTH dân tộc nội trú N’Trang Lơng (tỉnh Đắk Nông) đánh trống khai giảng năm học mới 2018 – 2019. Ảnh: Ngọc Minh - TTXVN. |
Các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa, tu bổ, xây dựng mới hàng ngàn phòng học, phòng công vụ cho giáo viên, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, công trình vệ sinh cho học sinh…Tỉnh Đắk Lắk đã huy động 402 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang thiết bị đồ dùng học tập; trong đó, dành 323 tỷ đồng sửa chữa, tu bổ, xây dựng mới 985 phòng học các cấp, chủ yếu đầu tư xây dựng, sửa chữa trường lớp cho các địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các tỉnh Tây Nguyên cũng trích ngân sách địa phương mua sách giáo khoa, vở viết hỗ trợ học sinh các dân tộc thiểu số nghèo có điều kiện đến trường.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dự Lễ khai giảng năm học 2018-2019. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN |
Tại các điểm trường nằm trên địa bàn các xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa như Mô Rai, huyện Sa Thầy, Ngọc Tụ, Đắk Rơ, huyện Đắk Tô (Kon Tum), Krông Nô (Đắk Nông), Lắk, Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) bị hư hỏng do tố lốc, mưa lũ kéo dài…đã được đầu tư sửa chữa kịp thời. Tại các điểm trường này thầy, cô giáo cùng với đồng bào các dân tộc đã nhanh chóng làm vệ sinh trường lớp, phục vụ tốt yêu cầu khai giảng năm học mới.
Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, lễ khai giảng năm học này với tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nghi lễ để học sinh cảm nhận được không khí vui tươi của ngày hội tựu trường, không phô trương hình thức gây lãng phí.
Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 3.350 trường học từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông; trong đó, gần 100% số xã có trường tiểu học, 96,67% số xã có trường trung học cơ sở, 17,83% xã có trường trung học phổ thông, gần 100% xã có trường mẫu giáo, mầm non…