Phố biến các chủ trương, chính sách mới có liên quan đến công tác dân tộc cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Theo đó, các học viên là những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận đã được tập huấn các quy định về vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, phổ biến các thông tin cơ bản về đời sống kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số trong cả nước hiện nay. Bên cạnh đó, người có uy tín trong đồng bào còn được trang bị, cập nhật những thông tin mới về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc... Ngoài những quy định chung được tuyên truyền, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận còn được nắm bắt thêm các chính sách dân tộc hiện hành như: Nhóm chính sách đặc thù theo dân tộc và nhóm dân tộc; nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo vùng; nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực; kết quả thực hiện chính sách dân tộc trên các lĩnh vực giai đoạn 2016-2018 và một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng như định hướng xây dựng chính sách dân tộc trong giai đoạn tới theo hướng tích hợp, thiết thực và hiệu quả. Tại buổi tập huấn, ông Đinh Xuân Thắng, cán bộ Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc cho biết, việc tổ chức tập huấn cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đây là cơ hội, là điều kiện để người có uy tín trong đồng bào nắm bắt nhanh các chủ trương, chính sách mới có liên quan, qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm, đồng thời tích cực tham gia cùng các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể… thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách đến với đồng bào một cách có hiệu quả. Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận Pinăng Thị Thủy, thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường ô tô đến trung tâm xã; gần 100% số hộ dân được sử dụng điện; hơn 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã có nhà văn hóa xã, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển rất tốt. Bên cạnh đó, 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa và các xã đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được thụ hưởng chính sách miễn giảm viện phí, miễn phí thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Các chính sách hỗ trợ cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào củng cố niềm tin với Đảng, Nhà nước. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận hiện có trên 162.000 người, chiếm trên 24,34% dân số của tỉnh, sinh sống ở 124 thôn, thuộc 37 xã của 6 huyện, thành phố trong tỉnh; trong đó nhiều nhất là dân tộc Chăm và dân tộc Raglai. Những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước và tỉnh Ninh Thuận quan tâm chỉ đạo, đầu tư thực hiện, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình hàng năm từ 3 - 4% (riêng huyện Bác Ái giảm từ 5 - 6%). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo đa chiều là 27,74%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 26 triệu đồng/người/năm; nhà tạm, nhà dột nát cơ bản được xóa bỏ, không còn tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất.
Công Thử