Nắm bắt nhu cầu vui chơi của thanh, thiếu nhi, hè 2024, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, các tổ chức trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức nhiều sân chơi, đa dạng hóa các hoạt động, qua đó không chỉ tạo sân chơi lành mạnh, còn góp phần cùng gia đình, địa phương quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi.
Đa dạng các sân chơi cho trẻ
Mỗi dịp hè về, Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu nhi tỉnh Bắc Ninh luôn là một trong những địa chỉ tin cậy với nhiều phụ huynh trong dịp nghỉ hè. Với phương châm mang đến sân chơi bổ ích cho các con để mùa hè thực sự đúng với ý nghĩa của nó, Trung tâm đã tổ chức 25 lớp học năng khiếu, thuộc 3 nhóm kỹ năng (thể dục, thể thao; văn hóa, văn nghệ; giáo dục tổng hợp) cho nhiều lứa tuổi thanh, thiếu nhi vào các khung giờ khác nhau trong ngày.
Theo Giám đốc Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Ninh Dương Ngọc Duyến, từ đầu hè đến nay đã có hơn 2.000 phụ huynh đến đăng ký cho con em tham gia học tập, rèn luyện hè. Các khóa học được Trung tâm chú trọng ươm mầm, bồi dưỡng năng khiếu, phát huy năng lực, sở trường, rèn luyện thể chất, giúp các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Đặc biệt chương trình “Học kỳ trong quân đội” với nhiều trải nghiệm thú vị, đã trở thành điểm nhấn mỗi dịp hè về. Năm 2024, Trung tâm tổ chức 2 khóa “Học kỳ trong quân đội” thu hút sự tham gia của gần 250 chiến sỹ nhí. Đây là chương trình giáo dục trang bị kiến thức quốc phòng, an ninh, giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống văn hóa dân tộc, ý chí, tinh thần vượt khó, phát triển kỹ năng xã hội, góp phần xây dựng thế hệ thanh, thiếu nhi giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh, năng động sáng tạo, trưởng thành.
Em Nguyễn Hữu Quân, xã Đại Bái, huyện Gia Bình chia sẻ: Tham gia chương trình "Học kỳ trong quân đội" với chủ đề "Thép đã tôi thế đấy", em được rèn luyện kỷ luật trong quân ngũ, tham gia hành trình về nguồn, học võ, viết thư tay gửi gắm tình cảm yêu thương về gia đình…, từ đó giáo dục nhân cách, rèn luyện, nâng cao tính kỷ luật, trang bị kỹ năng tự lập, tinh thần đoàn kết cho em. Năm sau em sẽ tiếp tục xin phép bố mẹ để tham gia chương trình này.
Cùng với đó, ở các khu dân cư, tại các huyện, thị xã, với vai trò xung kích, tình nguyện, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi ý nghĩa cho trẻ.
Chị Lê Thị Thúy Quýnh, Bí thư Đoàn phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh cho biết: Mùa hè này, để đa dạng hóa các hoạt động hè, bên cạnh những hình thức sinh hoạt truyền thống, như: tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, tạo cho các em những sân chơi bổ ích, Đoàn phường phối hợp với câu lạc bộ quan họ truyền thống Đương Xá tổ chức mở 2 lớp dạy hát Quan họ măng non cho thiếu nhi, với gần 60 học sinh tham gia. Theo đó, mỗi tuần câu lạc bộ sinh hoạt từ 3-4 buổi tại Nhà văn hóa khu phố. Tham gia sinh hoạt, các em được các nghệ nhân uốn nắn, truyền dạy từng lời ca, tiếng hát. Qua đó, làm giàu thêm đời sống tinh thần, giúp các em hiểu được văn hóa Quan họ-Di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
Anh Trần Văn Vũ, Phó Bí thư Huyện đoàn Lương Tài cho biết: Mùa hè năm 2024, huyện Lương Tài có gần 21.000 học sinh là thanh, thiếu nhi về sinh hoạt hè tại địa phương. Để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho các em, ngay từ đầu tháng 5, Huyện đoàn, Hội đồng Đội huyện bám sát kế hoạch, sự chỉ đạo của tổ chức Đoàn, Hội đồng Đội cấp trên, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hè, sinh hoạt Đội tại khu dân cư, hướng các em vào hoạt động tập thể, tích cực làm việc thiện, tạo môi trường giáo dục, an toàn cho thiếu nhi; đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước ở trẻ em; có phương án tổ chức các lớp dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho 500 lượt thiếu nhi; huy động các đơn vị cắm biển cấm ở những khu vực ao, hồ nguy hiểm; phối hợp xây dựng, tu sửa các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi…
Đặc biệt, từ đầu tháng 6, Huyện Đoàn Lương Tài phối hợp với Tỉnh đoàn, Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu nhi tỉnh tổ chức dạy tiếng Anh thông qua hình thức thi "Rung chuông vàng", nhảy dân vũ và nhiều trò chơi tập thể cho thiếu nhi. Đáng chú ý tổ chức Đoàn Thanh niên phối hợp với các đơn vị khánh thành và đưa vào sử dụng khu vui chơi cho thiếu nhi tại thôn Tảo Hòa, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, qua đó góp phần tạo sân chơi bổ ích cho trẻ, giúp các em có thêm không gian vui chơi, rèn luyện thể chất.
Chăm lo tốt cho trẻ em
Tính đến hết năm 2023, tỉnh Bắc Ninh có khoảng 360.000 trẻ em; toàn tỉnh có 59/126 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (theo tiêu chí mới); 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; 100% trẻ em được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; 100% trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo được phẫu thuật miễn phí...
Thời gian qua, công tác chăm lo, giáo dục trẻ em luôn được tỉnh Bắc Ninh chú trọng với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, như: thăm, tặng quà, trao học bổng, đỡ đầu, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tỉnh cũng triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tự bảo vệ cho trẻ em, cung cấp dịch vụ hỗ trợ để phòng, chống bạo lực học đường, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; huy động nguồn xã hội hóa trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương ưu tiên nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; đồng thời, vận động xã hội thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”, mỗi xã có một công trình dành cho trẻ em được xây dựng hoặc nâng cấp. Mỗi đoàn viên, hội viên của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có một hành động thiết thực vì trẻ em.
Theo đó, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch của tỉnh và Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cùng đó, tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em cho cha mẹ, cán bộ giáo viên, người chăm sóc và bản thân trẻ em; thường xuyên tập huấn, phổ biến kiến thức về kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ, xử lý các hình thức xâm hại trẻ em.
Đặc biệt, các cấp, ngành đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ trẻ em, trợ giúp, hỗ trợ kịp thời trẻ em thuộc diện hộ nghèo, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội; huy động các nguồn lực đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cho các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em trên địa bàn dân cư; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, tự bảo vệ cho học sinh; xây dựng quy trình cung cấp dịch vụ hỗ trợ để phòng, chống bạo lực học đường, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Các địa phương chú trọng tổ chức các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, trong đó, chủ động phát hiện, trợ giúp học sinh có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực ngoài trường học; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh, ngăn chặm các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số, mạng xã hội đến sự phát triển toàn diện của trẻ em./.
Thanh Thương