Tuy nhiên, theo lý giải của đại diện một số trường đang thực hiện thí điểm tự chủ tài chính, mức tăng học phí của nhà trường theo đúng lộ trình quy định, có tính toán để tạo điều kiện tối đa cho học sinh học tập tại trường.
Vẫn dưới mức trần
Ông Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Đại học Kinh tế Quốc dân được Chính phủ quyết định giao thí điểm tự chủ tài chính từ năm 2015. Như vậy, từ năm 2015, Nhà nước cắt các khoản đầu tư và nhà trường phải tự hạch toán thu - chi, với nguồn thu chính là từ học phí của sinh viên.
Nhiều gia đình sinh viên lo lắng khi mức học phí bắt đầu tăng.
|
Việc tăng học phí của trường được thực hiện theo đúng lộ trình tại Quyết định 368 của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/3/2015 phê duyệt đề án tự chủ của trường, trong đó có tự chủ về tài chính.
Theo Quyết định 368, mức thu học phí bình quân cho các chương trình đại trà năm học 2016 - 2017 là 13,5 triệu đồng/năm. Mức trần học phí đối với các ngành kinh tế năm học 2016 - 2017 và 2017 - 2018 là 17,5 triệu đồng. Quyết định này cũng quy định mức tăng học phí tối đa của trường không quá 30%. Như vậy, mức tăng học phí năm nay của trường là dưới 30% và mức học phí ở nhóm ngành cao nhất theo quy định của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 17 triệu đồng vẫn nằm trong phạm vi đã được quy định tại văn bản này.
Ông Phạm Hồng Chương cũng chia sẻ: Mức trần của Chính phủ quy định như vậy, nhưng khi tăng học phí, nhà trường phải cân nhắc rất nhiều. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thành lập tổ công tác xây dựng lộ trình tăng học phí trên cơ sở lấy thu bù chi và có một phần tích lũy phát triển, nhưng cũng tính đến khả năng chi trả của sinh viên. Vì thế, mức học phí kịch trần chỉ áp dụng với một số ngành “nóng”, các ngành còn lại mức học phí đều dưới trần, ở ngưỡng 1,2 triệu đồng/sinh viên/tháng. Học phí của trường cũng chỉ nằm ở tốp trung trong các trường công tự chủ tài chính khối ngành kinh tế.
Cụ thể, so với năm học 2015 - 2016, học phí của năm học 2016 - 2017 đối với sinh viên K57 và K58 (khóa sinh viên sắp nhập học trong kỳ tuyển sinh tới) sẽ tăng từ 80.000 đồng đến hơn 100.000 đồng cho mỗi tín chỉ, ở tất cả các nhóm ngành. Riêng với các sinh viên K56 và K55, do mức học phí từ năm thứ nhất vẫn hưởng theo mức học phí tương đối thấp, khi trường chưa thực hiện tự chủ tài chính và vẫn có sự đầu tư của Nhà nước, nên mức tăng theo đó cũng không nhiều, từ 220.000 đồng/tín chỉ lên 290.000 đồng/tín chỉ và giống nhau ở tất cả các ngành.
Cùng với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng có lộ trình tăng học phí theo đề án tự chủ. Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng Ban Tài chính Kế toán của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Học viện cam kết mức trần học phí không vượt quá 1.400.000 đồng/tháng. Mức học phí mà Học viện áp dụng nằm trong lộ trình tăng học phí Chính phủ cho phép mới chỉ bằng dưới 43% so với mức trần học phí Chính phủ đã quy định cho trường tự chủ. So với những trường cùng thực hiện cơ chế tự chủ, mức độ tăng học phí của Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn khá thấp.
Hỗ trợ học bổng cho sinh viên khó khăn
Trước những lo lắng của nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, khi tăng học phí sẽ không có điều kiện chi trả để tiếp tục theo học, lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: Nhà trường sẽ tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ sinh viên, không để thí sinh nào vì học phí tăng cao mà phải bỏ học giữa chừng. Trong những năm tới, chế độ học bổng, chính sách với sinh viên sẽ được trường mở rộng hơn.
Nếu như trong các năm trước đây, việc xét học bổng của trường cũng như các quỹ có liên kết với trường đều căn cứ vào kết quả học tập thì năm học tới, trường sẽ thành lập quỹ học bổng mới, dành cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ngay cả khi các em không phải là những sinh viên xuất sắc, dự kiến sẽ dành khoảng 30% quỹ học bổng cho các sinh viên này.
Dự kiến năm học 2016 - 2017, nhà trường sẽ dành từ 2 - 3 tỷ đồng để thành lập quỹ học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động thiết thực để hỗ trợ sinh viên và là cơ hội rộng mở cho tất cả sinh viên của trường.
Ông Phạm Hồng Chương cũng khẳng định, với gói hỗ trợ mới này, trường sẽ thông báo công khai, cụ thể và chi tiết về điều kiện, cách thức tiếp cận cho sinh viên toàn trường. Các trường hợp đăng ký, trường sẽ có xác minh, nếu sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thực sự trường sẽ hỗ trợ để các em có thể yên tâm gắn bó với trường.
Đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại diện nhà trường cho biết, hiện tại, Học viện có quỹ học bổng trị giá 17 tỷ đồng để hỗ trợ cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích học tập tốt. Bên cạnh đó, sinh viên của Học viện đa số xuất thân từ nông thôn và có hoàn cảnh khó khăn nên trong lộ trình tăng học phí, Học viện đã cân nhắc rất kỹ. Mặc dù được giao quyền tự chủ, được tăng học phí cao hơn nhưng học viện cũng chỉ tăng học phí ở mức vừa phải. Học viện còn có trung tâm hỗ trợ việc làm, mỗi năm giúp đỡ hàng trăm sinh viên. Nếu khó khăn, sinh viên có thể liên hệ với nhà trường để được trợ giúp kịp thời.
Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Việc các trường thí điểm tự chủ tài chính đã có đủ hệ thống văn bản quy định lộ trình tăng học phí đến năm học 2020 - 2021. Tuy nhiên, lộ trình tăng của các trường có hợp lý hay không phải xem xét nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố cơ sở vật chất, cũng như các môn học phù hợp cho đúng với số tiền quy định ở các tín chỉ. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận báo cáo của các trường và đang trong quá trình xem xét nhằm rà soát lại toàn bộ vấn đề tăng học phí để phù hợp với mặt bằng chung của xã hội. |