Tận dụng lợi thế, phát triển nghề muối Bạc Liêu theo hướng hiệu quả, bền vững

Tận dụng lợi thế, phát triển nghề muối Bạc Liêu theo hướng hiệu quả, bền vững

Ngày 19/9, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Bạc Liêu về định hướng và giải pháp phát triển nghề muối Bạc Liêu.

Tận dụng lợi thế, phát triển nghề muối Bạc Liêu theo hướng hiệu quả, bền vững ảnh 1Với gần 1.500ha, Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước. Ảnh: TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, muối Bạc Liêu ( Muối Ba Thắc) là thương hiệu dân gian nổi tiếng rất lâu đời, gắn liền với diêm dân tỉnh Bạc Liêu và trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển. Nghề muối tỉnh Bạc Liêu được hình thành và phát triển hơn 100 năm.

Với gần 1.500ha, Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước. Trong niên vụ năm 2023, sản lượng muối toàn tỉnh đạt trên 27.000 tấn, trong đó muối trắng trải bạt là hơn 7.300 tấn, còn lại là muối sản xuất truyền thống. Năng suất trung bình đạt gần 17 tấn/ha (đối với sản xuất muối truyền thống) và trên 37 tấn/ha (đối với muối trải bạt). Tổng số hộ sản xuất muối năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 767 hộ, với 1.520 lao động.

Sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý năm 2013. Cuối năm 2020, nghề muối tỉnh Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Muối Bạc Liêu không chỉ được nhiều người ưa chuộng, sử dụng rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước, nhất là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... Đến nay, 10 sản phẩm muối được công nhận đạt chứng nhận OCOP.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, để nâng tầm sản phẩm, khai thác có hiệu quả chứng nhận chỉ dẫn địa lý, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ các công ty muối quy trình công nghệ để chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và định hướng xuất khẩu.

Tỉnh Bạc Liêu chú trọng khâu liên kết trong sản xuất, chế biến giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, phát huy vai trò tổ chức và điều phối giữa các thành phần liên kết của chính quyền các cấp, có kế hoạch cụ thể cho tiến trình liên kết; thúc đẩy xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã ứng dụng thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với liên kết chuỗi giá trị. Đồng thời, tỉnh tập trung khai thác và phát triển thương hiệu muối ăn Bạc Liêu được chứng nhận chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh, mở rộng, đổi mới công tác xúc tiến thương mại theo hướng quảng bá những giá trị dinh dưỡng khác biệt, những tính chất đặc trưng, đặc thù trong hạt muối Bạc Liêu…

Cùng với những thuận lợi, nghề muối tại Bạc Liêu cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Sản xuất muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Năng suất không ổn định. Đầu ra sản phẩm còn lệ thuộc phần lớn vào thương lái. Diêm dân có thu nhập thấp, bấp bênh nên đời sống không ổn định. Nhiều diêm dân đã chuyển đổi mô hình sản xuất để có thu nhập cao hơn.

Nghề muối ở Bạc Liêu tồn tại trên 100 năm nhưng cư dân xứ biển chưa thể giàu lên từ muối. Năm 2011, toàn tỉnh có hơn 3.000ha sản xuất muối, khoảng 1.300 hộ trực tiếp làm muối. Đến năm 2015, số lượng này giảm xuống chỉ còn hơn 2.600 ha và năm 2023 thực hiện sản xuất còn 1.411 ha.

Nghề muối của diêm dân Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu và mưa trái mùa xuất hiện ngày càng nhiều trong vụ mùa sản xuất muối, môi trường nước có nguy cơ ô nhiễm. Hơn nữa, việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế và chậm thay đổi, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất truyền thống, một bộ phận thiếu vốn đầu tư, thiếu các thông tin kỹ thuật mới.

Đặc biệt, mô hình hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp bước đầu được triển khai nhưng còn bất cập về phương thức đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm dẫn đến phát triển chưa bền vững nên hiệu quả kinh tế trung bình nhiều năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Tại buổi làm việc, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ tỉnh tổ chức triển khai các nội dung trong Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020; hỗ trợ tỉnh nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, đồng bộ từ khâu cung cấp nước biển đến thu hoạch, vận chuyển, làm sạch và bảo quản.

Tỉnh kiến nghị Bộ xem xét tổ chức Festival muối tại tỉnh vào năm 2024, qua đó giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm muối trong nước nói chung, muối Bạc Liêu nói riêng; xúc tiến đầu tư, thương mại kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và thương mại muối; tạo động lực để ngành muối trong nước cạnh tranh được với muối nhập khẩu tại thị trường nội địa.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Bạc Liêu là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển nghề muối. Vì vậy, để hạt muối Bạc Liêu tiếp tục khẳng định thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế, giúp ổn định đời sống của diêm dân, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Bạc Liêu cần thể hiện rõ quyết tâm, nỗ lực để làm giàu từ nghề muối và các sản phẩm từ muối. Tỉnh cần quan tâm đầu tư, hoàn thiện hơn nữa hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển nghề muối, nhất là khâu liên kết, hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Quan trọng là đảm bảo được đầu ra và giá cả, để diêm dân tiếp tục gắn bó với nghề muối. Cùng đó là củng cố lại các hợp tác xã muối, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại và truyền thông...

Sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát vùng sản xuất muối của bà con diêm dân tại hai huyện Hòa Bình và Đông Hải.

Chanh Đa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm