Ngày 14/12, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết, Trung tâm đã phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) và Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) tái thả thành công 17 cá thể tê tê Java (tên khoa học là Manis javanica) và 1 cá thể khỉ đuôi dài (tên khoa học là Macaca fascicularis) về lại tự nhiên.
Việc tái thả này có sự tham gia của Công an tỉnh Gia Lai, đơn vị đã cứu hộ phần lớn các cá thể tê tê từ các vụ bắt giữ, vận chuyển trái phép và chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam khoảng 1 tháng trước đó.
Sau khi đưa về Trung tâm, những cá thể tê tê và khỉ đuôi dài đều được theo dõi, chăm sóc và phục hồi cho đến khi hoàn toàn khỏe mạnh. Cụ thể, tê tê nói riêng và các loài động vật hoang dã sau khi được cứu hộ đều phải trải qua quá trình kiểm dịch tối thiểu 30 ngày nhằm theo dõi sức khỏe, kiểm soát dịch bệnh và huấn luyện bản năng hoang dã.
Trước mỗi đợt tái thả, đội nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam sẽ phân tích, khảo sát các khu vực có sinh cảnh sống cho từng loài. Sau khi được tự do, các cá thể thường di chuyển rất xa để đi tìm chỗ trú ẩn an toàn.
Tê tê Java (Manis Javanica) được xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp thuộc nhóm IB (được quy định trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm) nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Các hành vi buôn bán trái phép tê tê đều sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, loài tê tê Java thuộc Phụ lục I của Công ước quốc tế CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) cấm buôn bán xuyên quốc gia tê tê khai thác từ tự nhiên. Tuy vậy, các hành vi săn bắt, buôn bán trái phép vẫn diễn ra vô cùng phức tạp.
Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam, kể từ khi thành lập, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam đã cứu hộ thành công gần 1.700 cá thể tê tê và trở thành đơn vị thực hiện cứu hộ tê tê nhiều nhất thế giới. Cụ thể, có khoảng 60% số lượng tê tê được tái thả thành công đã góp phần khôi phục quần thể tê tê ngoài tự nhiên. Kết quả nghiên cứu bẫy ảnh của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam đã ghi nhận được nhiều bức ảnh tê tê, đặc biệt các bức ảnh con non mới sinh tại các địa điểm đã tái thả. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí, kỹ thuật chăm sóc nhằm nâng cao năng lực cứu hộ tê tê với các đơn vị cứu hộ trên cả nước.
Có thể thấy, việc tái thả động vật hoang dã quý hiếm về môi trường tự nhiên đang từng bước góp phần vào những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn tại Việt Nam. Cùng với đó, hoạt động tái thả cũng là nguồn động lực giúp các đơn vị tịch thu động vật tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn nhiều hơn nữa những vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép trong thời gian tới.
Diệu Thúy