Trong số 6 bệnh nhân này hiện nặng nhất là anh Võ Văn Phố, 23 tuổi, bị phỏng nước kim loại 66%, trong đó 14% độ sâu toàn thân. Các nạn nhân còn lại đều bị bỏng ở mặt, ngực và tay chân, mức độ bỏng từ 6% đến 43% và đều bỏng độ sâu do nước kim loại nóng gây nên.
Các nạn nhân bị bỏng đang được điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viên đa khoa tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Văn Việt- TTXVN |
Trước đó, khoảng 5 giờ 40 phút, tại Công ty cổ phần thép Nam Kim (Nhà máy thép Nam Kim 2) thuộc khu công nghiệp Đồng An 2, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, khi các công nhân đang làm việc tại khâu nấu kẽm thì có một tiếng nổ lớn làm văng cả chảo chứa dung dịch kẽm làm bỏng 8 công nhân. Ngay sau đó, các nạn nhân đã được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Tai đây, các bác sỹ đã tiến hành sơ cứu cấp tốc, cho dùng thuốc giảm đau, hồi sức truyền dịch, dùng kháng sinh toàn thân, đắp gạc bỏng và cho nằm cố định trên băng ca. 6 nạn nhân trong số này sau đó đã được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục điều trị.
Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) điều trị cho các bệnh nhân bị bỏng trong vụ tai nạn lao động ở Bình Dương. Ảnh: Phương Vy- TTXVN |
Theo bác sỹ Ngô Đức Hiệp, nước nóng chảy của kim loại thường gây ra các tổn thương sâu ở da do nhiệt độ nóng chảy dao động từ 500 đến 700 độ C. Do đó, thời gian điều trị của bỏng kim loại sẽ lâu hơn các vết bỏng do xăng hay nước sôi, đồng thời, các di chứng để lại cũng sẽ nặng hơn. Một số bệnh nhân bị tổn thương ở mặt sẽ để lại di chứng, rất khó phục hồi.