Chiến tranh đã đi qua hàng chục năm song một số vùng đất rộng lớn ở khu vực biên giới vẫn bị ô nhiễm bom, mìn. Những tiếng nổ vẫn vang lên sau chiến tranh khiến hàng ngàn người chết hoặc mang thương tật suốt đời... Xương, máu của những cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn rơi trong thời bình.
Trả lại bình yên cho những vùng “đất chết” đẩy nhanh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có các điều kiện đồng bộ về cơ sở hạ tầng để vượt lên khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ cương thổ quốc gia là quyết tâm, chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước.
Kỳ vọng và niềm tin về dải biên cương xanh, yên bình, ngập tràn sự sống, không còn những người mất đi tương lai tươi sáng bởi “tử thần” lẩn khuất trong lòng đất đang mạnh mẽ hơn bao giờ…
Bài 1: Những tiếng nổ sau chiến tranh
31 năm trôi qua nhưng giờ đây, nhắc đến tiếng mìn nổ chát chúa, bà Vinh Thị Nhọt (65 tuổi, trú tại thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) lại bật khóc. Giơ lên đôi cánh tay cụt đến gần khuỷu, người phụ nữ dân tộc Nùng nghẹn ngào, nước mắt rơi trên gương mặt không còn lành lặn. Cái nghèo và khao khát sớm được trồng trọt, gieo cấy trên mảnh đất cha ông làm bà quên đi hiểm hoạ bom, mìn đã được chính quyền và các anh bộ đội báo trước.
“Nếu không vì con, tôi đã chết ngay lúc đó. Nhưng rồi mình phải sống!”- bà Vinh Thị Nhọt tâm sự.
Nỗi đau dai dẳng
Vụ tai nạn bom mìn định mệnh đến với bà Vinh Thị Nhọt vào một ngày cuối năm 1992. Sáng sớm hôm đó, sương mù giăng kín, giá lạnh thấu xương, người phụ nữ dân tộc Nùng rời nhà, hướng lên đồi 424 để nhặt củi, hái rau. Đồi 424 là một điểm cao chiến lược ở thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Nơi này còn rất nhiều bom, mìn, vật liệu nổ từ thời chiến tranh. Chính quyền cùng lực lượng Quân đội đã liên tục cảnh báo, nhắc nhở về những hiểm hoạ tiềm ẩn.
“ Ở đây gần như còn rất ít đất trồng trọt để có thể cho mọi người sản xuất, sinh sống. Cư dân hầu hết đều là những người địa phương sau chiến tranh mới quay trở lại. Nếu không lên đồi phát nương làm rẫy, lấy gì nuôi sống gia đình. Biết là nguy hiểm nhưng cũng đành cầu trời phật phù hộ”, bà Vinh Thị Nhọt nói.
Đường lên đồi 424 vừa dốc vừa cao lại trơn trượt. Đang loay hoay hái mớ rau xanh, bỗng một tiếng “ầm” chát chúa vang động. Người dân cùng lực lượng Quân đội đóng chốt gần đó chạy lại, thấy bà Nhọt nằm gục trên nền đất, máu bết gương mặt, hai cánh tay gần như nát. Bà Nhọt nhanh chóng được tiêm thuốc cầm máu rồi đưa đến Bệnh viện huyện Lộc Bình. Tỉnh lại, bà Nhọt mới biết mình vừa chạm phải một quả mìn. “Lúc đó, tôi ước giá mà mình có thể chết ngay đi. Nhưng nghĩ đến 5 đứa con nheo nhóc, lại cố gượng. Đến giờ, tôi cũng chẳng hiểu mình vượt qua những ngày tháng khó khăn đó bằng cách nào nữa”, bà Vinh Thị Nhọt nói.
Cách nhà bà Nhọt vài bước chân là nhà cô giáo Nguyễn Thị Hương, người cũng chịu cảnh thương tật do bom, mìn. Cô giáo Hương kể lại, ngày chị gặp nạn là vào giữa tháng Hai năm 1994. Lúc đó, chị ra làm vườn ở bãi đất trước đó vốn là bãi mìn đã được lực lượng Công binh rà phá và giao cho người dân sản xuất, canh tác. Chị đã "dẫm phải quả mìn to như cái bát, thế là cụt luôn một bên chân”.
“Tất cả mọi thứ quay cuồng trong tôi. Sau 55 ngày điều trị ở bệnh viện, tôi trở về nhà, hai đứa con không nhận ra mẹ, không muốn gần mẹ nữa. Tôi đau đớn vô cùng, cuộc sống lại gặp vô vàn khó khăn. Đã có những suy nghĩ rất tiêu cực trong tôi nhưng sau nghĩ lại, dù có khó khăn, vẫn phải vượt lên chính mình. Năm 1997, tôi quay trở lại với công việc của mình tại Trường Trung học Cơ sở Yên Khoái, huyện Lộc Bình”, cô giáo Nguyễn Thị Hương chia sẻ.
Cách Lạng Sơn hơn 400km là huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Huyện biên giới này cũng có nhiều hoàn cảnh thương tâm bởi tai nạn bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Một trong số đó là anh Triệu Văn Nguyên, người dân tộc Dao ở thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy. Nguyên năm nay bước sang tuổi 44, bên chân phải cụt gần đến khuỷu gối do dẫm phải mìn khi mở đất làm nương, phát rẫy.
Triệu Văn Nguyên bảo, lúc đó "dẫm phát là cả người bay lăn đi, thấy chân phải nong nóng". Nhấc chân lên xem, "chân đã lung lay, nát bét, không biết đau". Lấy vải buộc cầm máu từ giữa cẳng chân lên, anh lết ra khỏi rừng. Nhìn thấy Nguyên bết máu, người dân bản Nậm Ngặt vội đưa anh tới Trạm Y tế xã sơ cứu rồi chuyển về Bệnh viện tỉnh Hà Giang, cách đó hơn 20 km.
Chỉ tay về phía dãy núi mờ xám phía điểm cao 1509 thuộc huyện Vị Xuyên, Hà Giang, anh Triệu Văn Nguyên bảo: "Phía đó còn nhiều mìn lắm", rồi anh cười buồn nói: “Vợ chồng tôi cũng như những người dân Nậm Ngặt rất muốn có thêm đất trồng trọt, phát triển kinh tế nhưng nghĩ đến bom mìn chưa được rà phá ở đó nên không dám vào”.
“Nậm Ngặt đã có nhiều người dẫm phải mìn khi đi làm nương, phát rẫy, vào rừng lấy củi. Nhà tôi có 3 người là nạn nhân của bom mìn, trong đó bố vợ tôi là Bồn Văn Hòn lần lượt mất cả hai chân khi đạp phải mìn trên nương", Triệu Văn Nguyên kể.
Nguy cơ ẩn khuất dưới lòng đất
Nói về những ảnh hưởng nặng nề bởi bom, mìn, bà Hoàng Thị Giang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho hay: Trong những năm gần đây, địa phương đã được tỉnh và lực lượng Quân đội tích cực, chủ động phối hợp rà phá, nỗ lực khắc phục hậu quả bom, mìn và vật liệu nổ. Tuy nhiên, một số diện tích vẫn chưa được rà phá ở các địa bàn khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người dân. Tính từ năm 1991 đến nay, địa bàn xã đã xảy ra một số vụ tai nạn bom mìn đáng tiếc, khiến các nạn nhân bị ảnh hưởng sức khỏe, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
“Một số địa điểm trên địa bàn xã được xác định là có bom mìn từ thời chiến tranh để lại. Diện tích đó đã được khoanh vùng và cảnh báo cho người dân. Thế nhưng, việc phát triển kinh tế chính của người dân trên địa bàn hiện nay vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó phụ thuộc rất nhiều về kinh tế đồi rừng”, bà Hoàng Thị Giang cho biết thêm.
“Dưới lớp đất màu mỡ vẫn còn bom, mìn chờ cơ hội là phát nổ, gây thương vong cho con người và gia súc. Mìn ở lâu trong đất, phải rà phá nhiều lần. Mong là lực lượng chức năng sẽ thực hiện nhiều lần để đảm bảo diện tích đất sạch cho bà con canh tác”, bà Hoàng Thị Giang nhấn mạnh.
Xác nhận những nguy cơ ẩn khuất dưới lòng đất trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang) Nguyễn Thị Tuyên cho hay: Xã Thanh Thủy là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất trong chiến tranh, bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại ở xã rất lớn. Trên 50 người dân Thanh Thủy đã bị thương do bom mìn. Những người này đi canh tác, chăn thả gia súc do vấp phải mìn dẫn đến cụt chân, cụt tay, cụt cả hai chân, cụt cả hai tay.
"Như ở thôn Nậm Ngặt, có hộ dân 3 người chỉ có 2 chân", bà Nguyễn Thị Tuyên nói.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Thủy, địa hình của xã phần lớn là đồi núi, xen kẽ thung lũng rất thích hợp cho phát triển nông, lâm nghiệp. Người dân địa phương đã tập trung phát triển những cây trồng thế mạnh như chè, thảo quả cùng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Rất nhiều chương trình, phương án, đề án, kế hoạch sản xuất nông nghiệp đã được huyện và xã triển khai hiệu quả trên địa bàn như: trồng rừng sản xuất gắn với cây dược liệu để từ đó góp phần vào quyết tâm hoàn thành các mục tiêu lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới mà địa phương đã đặt ra.
Thế nhưng, tiềm năng đất đai trên địa bàn vẫn chưa được giải phóng hết. những năm gần đây, các lực lượng của Quân đội đã tổ chức rà phá được hơn 1.000 ha đất ở Thanh Thủy bị ô nhiễm bom mìn. Song diện tích chưa được rà phá bom mìn trên địa bàn xã hiện vẫn còn rất lớn.
“Điều này gây khó khăn cho công tác tuần tra đường biên, mốc giới cũng như tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển, nâng cao đời sống của đồng bào nơi đây. nhất là trong tình hình hiện nay, người dân Thanh Thủy đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đất sản xuất", bà Nguyễn Thị Tuyên nói.(Còn tiếp-Bài 2: Quyết tâm bắt sống “tử thần” trong lòng đất )
Hạnh Quỳnh