Sử dụng nước tiết kiệm để Tây Nguyên vượt qua mùa khô

Tây Nguyên đang là cao điểm của khô hạn, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều hồ chứa thủy lợi nhỏ đã ở mực nước chết. Nhiều diện tích cây trồng đang bị hạn hán, thiếu nước. Trong khi chờ mùa mưa tới đòi hỏi khu vực này phải sử dụng tiết kiệm nước, có những giải pháp ứng phó hiệu quả.

vna_potal_binh_thuan_doi_mat_voi_han_han_khoc_liet_nhieu_ho_dap_thuy_loi_can_tro_day_7308450.jpg
Một đập thủy lợi đã cạn trơ đáy. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Khu vực Tây Nguyên có diện tích cây trồng (chủ yếu là cây trồng lâu năm) nằm ngoài vùng phụ trách tưới chủ động của các công trình thủy lợi tương đối lớn (chiếm trên 70% diện tích canh tác). Do vậy, tình trạng hạn hán, thiếu nước phụ thuộc lớn vào tình hình mưa trong mùa khô.

Theo Cục Thủy lợi, tại khu vực Tây Nguyên, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt 40% dung tích thiết kế. Cụ thể theo tỉnh: Kon Tum 43%, Gia Lai 37%, Đắk Lắk 38%, Đắk Nông 40%, Lâm Đồng 54%. Hiện trong vùng có 606/1.303 hồ chứa có dung tích dưới 50% dung tích thiết kế; trong đó một số hồ nhỏ dưới mực nước chết gồm: Kon Tum (10 hồ), Gia Lai (2 hồ), Đắk Lắk (43 hồ), Đắk Nông (26 hồ), Lâm Đồng (22 hồ).

Tỉnh Gia Lai đã có khoảng 168 ha lúa bị hạn hán, đây đều là diện tích sản xuất nằm ngoài hệ thống tưới các công trình thủy lợi. Tỉnh Kon Tum có khoảng 19 ha lúa bị hạn hán, thiếu nước thuộc địa bàn các huyện các huyện Mang Yang, Chư Păh, KBang, Đức Cơ. Đây đều là diện tích sản xuất nằm ngoài hệ thống tưới các công trình thủy lợi.

Theo Cục Thủy lợi, mùa khô trong khu vực kéo dài đến hết tháng 4/2024. Dự báo, cuối mùa khô, tình trạng hạn hán, thiếu nước nguy cơ tiếp tục xảy ra tại một số các công trình hồ chứa nhỏ, đập dâng và vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới với tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 15.000 - 26.000 ha, chiếm khoảng từ 1-2% diện tích gieo trồng.

Tây Nguyên là thủ phủ của cà phê và hồ tiêu; đặc biệt cà phê đang trong giai đoạn ra hoa đậu quả, nên việc bảo đảm nguồn nước tưới rất quan trọng. Để ứng phó với nắng nóng, khô hạn, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nông dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới nước tiết kiệm kết hợp với thảm phủ, bón phân cân đối để giảm thiểu tối đa thoát hơi nước trên vườn cà phê, hồ tiêu. Đặc biệt là không được cưa cây che bóng, cây đai rừng đã có ở các vườn cà phê ghép cải tạo hoặc cưa đốn phục hồi.

Để bảo vệ vườn cây cà phê, hồ tiêu hàng năm khi vào mùa khô nóng, ông Nguyễn Như Cường cho rằng, khi vào mùa mưa, nông dân cần tiến hành trồng cây che bóng bổ sung như cây muồng đen hoặc cây sầu riêng, chôm chôm, bơ theo quy trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành. Nếu vườn cà phê chưa có hệ đai rừng chắn gió cần phải trồng bổ sung.

Theo ông Lương Văn Anh, Phó cục trưởng Cục Thủy lợi, Tây Nguyên có mùa mưa và mùa khô rất rõ rệt. Để có nước sử dụng cho mùa khô thì cần phải tích được nước của mùa mưa. Đây là vấn đề quan trọng nhất và cũng đòi hỏi việc điều tiết, vận hành cũng như tích trữ nước khoa học và tính toán rất kỹ lưỡng thì mới đảm bảo cho chống hạn.

Thời gian vừa qua, các địa phương Tây Nguyên đã phải chống hạn, thiếu nước cho sản xuất. Nguồn nước đảm bảo cho sinh hoạt hiện chưa bị chưa ảnh hưởng. Với tình hình nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, các địa phương phải cân đối trong sử dụng sao cho tiết kiệm và có thứ tự ưu tiên. Khu vực này thời gian tới dự báo sẽ có mưa tiểu vùng. Nếu thời tiết thuận lợi, khu vực này sẽ giảm nguy cơ hạn hán, ông Lương Văn Anh nhận định.

Theo ông Nguyễn Như Cường, địa phương cần tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng. Các tỉnh quán triệt đến từng địa phương cụ thể về khả năng đảm bảo của nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước.

Địa phương cần phân loại diện tích và các loại cây trồng để có thứ tự ưu tiên cấp nước tưới, rút ngắn thời gian các đợt tưới, thực hiện tưới luân phiên, tưới ẩm.

Theo ông Lương Văn Anh, khu vực Tây Nguyên trước đây rất được thiên nhiên ưu đãi. Tuy nhiên, thời gian gần đây cho thấy Tây Nguyên không còn được thiên nhiên ưu đãi như trước, hán hán xảy ra thường xuyên. Thời gian tới, khu vực này cần được đầu tư hệ thống thủy lợi nhiều hơn để phục vụ cho các diện tích sản xuất.

Ông Lương Văn Anh cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ không phải dừng ở đó, càng ngày sẽ càng khắc nghiệt hơn. Bên cạnh việc đầu tư hệ thống thủy lợi, lâu dài hơn nữa vẫn phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp để làm sao ứng phó với hạn hán tốt hơn. Cây trồng thích ứng tốt hơn với thời tiết, sử dụng ít nước hơn mà không ảnh hưởng năng suất.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm