Sơn La hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng

Thời tiết khô hanh thường trùng vào mùa vụ sản xuất mới của người dân, việc đốt nương, làm rẫy tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Trước thực trạng đó, chính quyền, nhân dân và lực lượng chức năng tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất số vụ, thiệt hại do cháy rừng có thể xảy ra.

Yên Châu là một trong những huyện có diện tích rừng lớn và là địa phương có nhiệt độ bình quân hàng năm cao, được ví như chảo lửa của tỉnh Sơn La. Do đó, mùa hanh khô năm 2024, lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ theo phương châm "4 tại chỗ", để khẩn trương khắc phục khi có vụ cháy rừng xảy ra.

vna_potal_dien_tap_ung_pho_chay_rung_va_tim_kiem_cuu_nan_thanh_pho_son_la_nam_2022_6446606.jpg
Diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Quang Quyết -TTXVN

Bên cạnh đó, đơn vị chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các tổ, đội nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng kết hợp với viên chức Kiểm lâm địa bàn tạo thành các tổ, đội bảo vệ rừng, thường xuyên nắm bắt các hành vi gây nguy cơ cháy rừng; thực hiện và nghiệm thu việc duy tu, bảo dưỡng các công trình đường băng cản lửa đối với các dự án trồng rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân.

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu Dương Hồng Hải, ngay khi vào mùa hanh khô, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên và chỉ đạo xuyên suốt xuống Ủy ban nhân dân các xã, thành lập các Ban Chỉ huy và các tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng cấp thôn, bản. Tập trung tuyên truyền và kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng về phương án phòng cháy, chữa cháy rừng để nâng cao hiểu biết, ý thức và giảm thiểu tối đa thiệt hại nếu có cháy rừng xảy ra. Tổ chức phân trực 24/24h trong những ngày cao điểm...

Ngoài ra, để làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, cán bộ Kiểm lâm địa bàn đã tích cực phối hợp với các tổ, đội quản lý, bảo vệ rừng ở các bản nhận giao khoán để tuần tra, kiểm soát từ 3 - 4 đợt/tháng. Khi vào mùa hanh khô, nắng nóng cao điểm các thành viên trong tổ, đội sẽ đi tuần tra, kiểm tra từ 7 - 8 đợt/tháng tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong nhân dân; đóng, lắp đặt các biển báo, biển cấm tại các vị trí dễ quan sát; duy tu, phát dọn đường băng cản lửa …

Anh Trần Minh Giám, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu cho biết, được giao phụ trách quản lý, bảo vệ rừng tại xã Chiềng Hặc, anh thường xuyên phối hợp với tổ, đội quản lý, bảo vệ rừng các bản để tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt quản lý, bảo vệ rừng, nhất là địa bàn trọng điểm hay xảy ra cháy rừng, khu vực có nguy cơ cháy rừng cao.

Vào khung giờ cao điểm, các tổ, đội quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời trao đổi và tuyên truyền đến người dân làm đường băng cản lửa; khi xảy ra sự cố phải báo cáo lên Ủy ban nhân dân xã để có hướng chỉ đạo, kịp thời xử lý vụ việc.

Bản Cang, xã Chiềng Hặc có diện tích rừng lớn trên địa bàn huyện Yên Châu, nguy cơ xảy ra cháy rừng mùa hanh khô rất cao. Theo đó, Đội Xung kích bảo vệ rừng bản Cang, với 54 thành viên đã khẩn trương phát dọn các tuyến đường băng cản lửa, đường tuần tra và đường chuyên chở dụng cụ, thiết bị cứu hỏa khi có vụ cháy rừng xảy ra; đồng thời, quán triệt thành viên Đội Xung kích không đi khỏi địa bàn, ứng trực 24/24h, sẵn sàng, cơ động dập lửa khi có cháy rừng xảy ra.

Ông Hà Văn Xuân, Đội trưởng Đội Xung kích bảo vệ rừng bản Cang cho hay, các thành viên thường xuyên đi kiểm tra, chấp hành nghiêm hướng dẫn của lực lượng kiểm lâm, của bản. Cùng với đó, khi phát hiện sự cố xảy ra sẽ thông báo ngay cho lực lượng kiểm lâm để hỗ trợ dập lửa.

Tại huyện Mộc Châu, hiện có hơn 50.000 ha diện tích rừng; trong đó, rừng đặc dụng, phòng hộ trên 25.000 ha, còn lại là rừng trồng và rừng sản xuất. Rừng được phân bố đa dạng, rộng khắp, giáp ranh với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, cùng với đường biên giới dài, nên việc bảo vệ, phát triển rừng luôn được lực lượng kiểm lâm, chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm.

Bước vào mùa khô hanh, Hạt Kiểm lâm huyện đã thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn các xã, thị trấn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân. Phân công lực lượng Kiểm lâm bám nắm địa bàn, thường xuyên theo dõi nắm bắt thông tin qua hệ thống cảnh báo cháy của Cục Kiểm Lâm, qua đó phát hiện điểm cháy, kịp thời cảnh báo, và huy động lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở.

Ông Lê Văn Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu thông tin, để cảnh báo sớm và xác định cấp cảnh báo cháy rừng, Hạt đã hướng dẫn Kiểm lâm địa bàn sử dụng máy tính bảng và các phần mền cảnh báo. Cùng đó, thông báo đến cơ sở xã, bản khi phát hiện có cháy rừng phải kịp thời thông báo đến các lực lượng chức năng để kịp thời chữa cháy.

Xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu có gần 6.000 ha rừng; trong đó, có trên 2.500 ha rừng đặc dụng. Để ngăn ngừa cháy rừng xảy ra, chính quyền xã đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên tuần tra tại các khu vực rừng đông người qua lại, các khu vực có nguy cơ cháy cao. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là việc sử dụng lửa trong rừng, đốt nương rẫy đúng giờ quy định; phối hợp với các bản xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến rừng.

Ông Dương Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Sơn chia sẻ: Chính quyền xã đã tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác phòng cháy, chữa cháy rừng, không được đốt và khai thác lâm sản.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, tỉnh Sơn La đã ban hành các phương án, kế hoạch chỉ đạo chính quyền các cấp tập trung làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; củng cố, tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh và Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng. Ban Chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn củng cố, kiện toàn tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, thường xuyên kiểm tra địa bàn, xây dựng, triển khai phương án và bố trí lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng của các huyện, thành phố. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng, từ đó hạn chế tối đa các hành vi xâm lấn vào rừng trái phép.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Hà Như Huệ thông tin: Sở đang tập trung tuyên truyền, kiện toàn các tổ đội về quản lý bảo vệ rừng ở cơ sở; trang bị các phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy cho các đơn vị, lực lượng chức năng để chủ động việc huy động phương tiện trong những tình huống, sự cố với phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo không bị bất ngờ. Khi có các tình huống cháy xảy ra sẽ chủ động ứng phó và kịp thời khắc phục, giảm thiểu thiệt hại.

Với những giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, tỉnh Sơn La đang tích cực, chủ động triển khai các phương án nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; phấn đấu hạn chế thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy rừng có thể xảy ra.

Quang Quyết - Nguyễn Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm