Người dân đến làm thủ tục hành chính tại điểm giao dịch một cửa thuộc Bảo hiểm xã hội huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Từ đầu giờ sáng, tại phòng giao dịch "một cửa" của Bảo hiểm xã hội huyện Phù Yên, nhiều người dân đã có mặt để làm các thủ tục liên quan đến chế độ, chính sách và cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế. Phần lớn người dân đến đây để giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến tiền lương, chế độ hưu trí, tử tuất. Những loại hồ sơ này được cán bộ Bảo hiểm huyện Phù Yên tiếp nhận và xử lý ngay đối với những trường hợp có đầy đủ giấy tờ. Những trường hợp còn lại sẽ được hẹn trong vòng từ 2 đến 4 ngày.
Đáng chú ý, trong số người dân làm thủ tục tại đây còn có những trường hợp là bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân đang cấp cứu, điều trị ở bệnh viện đến để xin cấp lại thẻ bảo hiểm y tế. Theo tìm hiểu của phóng viên, những trường hợp này đến làm thủ tục xin cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do bị thất lạc, hư hỏng hoặc hết hạn sử dụng. Ông Cầm Văn Thậng - người dân xã Huy Tường cho biết, vợ ông bị ốm, khi đưa đến bệnh viện mới biết bà bị mất thẻ bảo hiểm y tế. Lúc đó gia đình mới báo lên xã để xin xác nhận, sau đó mang lên Bảo hiểm xã hội huyện để làm thủ tục cấp lại. Thời gian cấp lại rất nhanh, chỉ trong vòng một buổi sáng ông đã nhận được thẻ bảo hiểm y tế mới.
Theo các cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Phù Yên, việc người dân khi đến cơ sở khám chữa bệnh mới phát hiện bị mất thẻ hoặc thẻ hết hạn thường xuyên xảy ra. Với những trường hợp này, sau khi kiểm tra, đối chiếu với cơ sở dữ liệu, nếu đáp ứng đủ yêu cầu, Bảo hiểm xã hội sẽ cấp lại thẻ cho người dân ngay trong buổi làm việc. Những trường hợp đến vào cuối giờ, sẽ được hẹn cấp thẻ vào đầu giờ làm việc tiếp theo. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bảo hiểm xã hội huyện Phù Yên tiếp nhận hơn 10.200 hồ sơ, đã giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính gần 10.100 hồ sơ, trong đó chỉ có 14 hồ sơ giải quyết quá hạn.
Ông Hà Ngọc Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm xã hội huyện Phù Yên cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị đã được chú trọng triển khai. Nhờ đó, việc thực hiện các nghiệp vụ của ngành bảo hiểm được liên thông qua phần mềm, từ khâu giải quyết đầu vào như công tác thu, giải quyết chế độ, cấp sổ, cấp thẻ, giám định bảo hiểm y tế, giúp cho việc xử lý, giải quyết các thủ tục được nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, việc tiếp nhận hồ sơ đều qua bộ phận "một cửa", các đơn vị giao dịch với bảo hiểm huyện đều được thực hiện bằng điện tử. Việc trả hồ sơ được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích. Hồ sơ sau khi hoàn thành được nhân viên bưu điện trả đến tận tay khách hàng và các chi phí đều được ngành bảo hiểm thanh toán.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp nhận hồ sơ qua bộ phận "một cửa" còn giúp người dân hạn chế phải đến giao dịch trực tiếp tại đơn vị. Tất cả nghiệp vụ liên quan đến quyền lợi, chính sách người lao động được giải quyết kịp thời bởi các dữ liệu được gửi qua mạng và xử lý trên phần mềm hệ thống, nên người dân cũng như các đơn vị liên quan không phải đến trực tiếp tại đơn vị để thực hiện như trước đây.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La, năm 2018, ngành đã tiếp nhận và giải quyết trên 597.000 hồ sơ, riêng 6 tháng đầu năm 2019 là 180.000 hồ sơ. Việc giải quyết số lượng lớn hồ sơ trong thời gian ngắn đã cho thấy hiệu quả của việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Những năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội đã giảm từ 115 xuống còn 28 thủ tục hành chính (giảm 75%), rút ngắn thời gian cấp sổ bảo hiểm từ 20 ngày, thẻ bảo hiểm y tế từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, hoặc cấp lại trong vòng 1 đến 2 giờ. Ngành cũng thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả các khâu từ thu, nộp đến quản lý chi, trả. Số lần giao dịch điện tử giảm từ 12 lần xuống còn 1 lần/năm.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La Thiều Quang Ngãi cho biết, ngành Bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh việc cắt giảm thành phần, số lượng giấy tờ, hồ sơ, giảm số giờ giao dịch bảo hiểm xã hội của các đơn vị, doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về thủ tục hành chính, không gây khó dễ cho các tổ chức, cá nhân. Đối với công tác chi trả bảo hiểm xã hội, ngành thực hiện các giải pháp vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ngành bảo hiểm tiếp tục cập nhập mã số và đồng bộ thông tin định danh người tham gia. Trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin do Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai, ngành sẽ cung cấp tất cả các dịch vụ công lên mức độ 4; phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên thông, hiện đại.
Hữu Quyết