Sôi nổi các tiết học Giáo dục địa phương tại Đắk Lắk

Giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thời gian qua, tại tỉnh Đắk Lắk, tài liệu Giáo dục địa phương được tỉnh biên soạn đưa vào các trường học, cấp học cùng với các môn học khác. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, những giá trị sống tốt đẹp của quê hương, đất nước cho học sinh; đồng thời, tăng cường khả năng lồng ghép, tích hợp kiến thức của giáo viên.

Khơi dậy tình yêu văn hóa, lịch sử địa phương

Năm học 2023- 2024, Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng (thành phố Buôn Ma Thuột) có 535 học sinh. Ngay từ đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương, trong đó, xác định rõ mục tiêu đối với từng môn học, khối lớp. Các em học sinh được tìm hiểu kiến thức nền về văn hóa, lịch sử, địa lý, phong tục, tập quán của đất và người Đắk Lắk, từ đó bồi đắp niềm tự hào quê hương, nâng cao ý thức học tập, rèn luyện tốt.

Tiết học Giáo dục địa phương khối lớp 10 của Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng luôn rộn ràng tiếng trao đổi giữa học sinh và giáo viên. Thầy giáo Y Lam Niê (giáo viên Địa lý) cho biết, Chương trình giáo dục địa phương đưa vào trường học được hai năm đã mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua chương trình giúp cán bộ, giáo viên và học sinh hiểu biết sâu hơn về nơi mình sinh ra và lớn lên. Từ đó, vun đắp tình yêu quê hương để sau này các em học tập, trưởng thành, mong muốn quay về xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Một số em sinh ra và lớn lên chưa có điều kiện hiểu biết sâu văn hóa dân tộc mình. Nhiều em chưa phân biệt được trang phục các dân tộc. Qua các tiết học Giáo dục địa phương, các em được học, biết và thêm yêu bản sắc văn hóa dân tộc quê hương, thầy giáo Y Lam Niê chia sẻ.

Em Đậu Hoàng Nguyên, học sinh lớp 10a1 cho biết, trong các tiết học em được học về văn học của các dân tộc Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Qua đó, em hiểu rõ văn hóa các dân tộc và thêm yêu quê hương mình đang sống.

Lịch sử địa phương có vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống. Để các em hứng thú hơn với những tiết học, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh chủ động tổ chức các hoạt động tích hợp, trải nghiệm thực tế như: Đến các buôn làng tìm hiểu văn hóa, truyền thống của người dân tộc thiểu số; tham quan khu di tích lịch sử; thăm bảo tàng; xem phim tư liệu về lịch sử; tham gia lễ hội truyền thống của địa phương… Qua đó, nội dung môn học Giáo dục địa phương trở nên hấp dẫn, gần gũi với học sinh. Các em nhận thức được sự gắn kết của các sự kiện hòa trong tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc.

Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường Trung học Cơ sở Phạm Hồng Thái (thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết, giờ học trải nghiệm thực tế giúp ích cho các em rất nhiều. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả nhất trong việc dạy học lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc. Các tiết dạy học di sản giúp em thêm yêu quê hương, thêm hiểu về truyền thống, lịch sử vùng đất của mình. Đây là một trong những nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới.

Em Huỳnh Thị Ngọc Tuyền, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) chia sẻ, em thấy thú vị và thích thú khi được tìm hiểu nhiều kiến thức về lịch sử văn hóa, âm nhạc, trang phục người dân tộc Ê đê. Từ đây, em muốn tham gia và dành nhiều thời gian tham gia các tiết học trải nghiệm thực tế.

Bằng nhiều phương pháp, cách thức thể hiện, tổ chức dạy và học khác nhau, các hoạt động giáo dục địa phương được triển khai hiệu quả, để từ đó, các em thêm tự hào và am hiểu về lịch sử, địa lý, con người địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ và tự hào về những giá trị truyền thống ở quê hương mình.

Linh hoạt, chủ động tổ chức dạy và học

Giáo dục địa phương là một môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 và tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản hoàn thành tài liệu giáo dục địa phương đối với các khối lớp. Tài liệu Giáo dục địa phương thuộc 7 lĩnh vực (văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị - xã hội, môi trường) được thực hiện ở các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ... Tùy vào từng cấp học mà nội dung, thời lượng, công tác tổ chức dạy và học cho học sinh cũng khác nhau.

Thầy giáo Y Lam Niê, Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng là người trực tiếp biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương chuyên đề biến đối khí hậu lớp 10 và du lịch địa phương Đắk Lắk lớp 11. Theo thầy Y Lam Niê, trong chương trình phổ thông, học sinh được học qua về Địa lý đại cương. Tuy nhiên, ở chương trình Giáo dục địa phương các em được tìm hiểu sâu hơn về địa lý, tài nguyên du lịch tỉnh Đắk Lắk.

“Tài nguyên du lịch Đắk Lắk rất phong phú, đa dạng. Nhưng, có nhiều tài nguyên còn ở dạng tiềm năng chờ khai phá. Khi học sinh được học, hiểu sâu những tài nguyên đó, chính các em sẽ khai thác, mang lại hiệu quả tích cực cho đời sống của bản thân và địa phương”, thầy giáo Y Lam Niê chia sẻ.

Tại Đắk Lắk, Bảo tàng tỉnh cũng chủ động triển khai các hoạt động giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương cho học sinh thông qua mô hình “Giờ học lịch sử”, “Giờ học di sản văn hóa”. Thời gian qua, bảo tàng đã tổ chức được 33 buổi học, thu hút gần 1.000 học sinh đến từ các trường Tiểu học trong và ngoài tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Trưởng Phòng Giáo dục và Truyền thống, Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, Bảo tàng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu với nhân chứng lịch sử cho học sinh; qua đó, giáo dục các em truyền thống yêu nước, nâng cao ý thức học tập và lòng tự hào dân tộc.

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, trên địa bàn Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống, do đó, cần xây dựng văn hóa nhà trường gắn với văn hóa từng địa phương. Để làm được điều này, các trường cần linh hoạt, chủ động thông qua tổ chức dạy học hiệu quả, giáo dục di sản, giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, các trường linh hoạt, chủ động trong việc giúp học sinh hứng khởi tìm hiểu, học tập về các thiết chế văn hóa di sản vật thể, phi vật thể, thư viện, di tích văn hóa…

Môn học Giáo dục địa phương được học sinh hứng thú vì nội dung kiến thức gần gũi, gắn với thực tế ở chính nơi các em đang sống. Những kiến thức được học qua tiết học Giáo dục địa phương sẽ giúp các em hiểu và thêm yêu nơi mình đang sống, có ý thức học tập và vận dụng những điều đã học để xây dựng quê hương Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp.

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm