Nhờ nguồn vốn vay, các hộ nghèo đã từng bước cải thiện đời sống, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Theo chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy, đến năm 2020, Sóc Trăng phấn đấu có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Mỹ Xuyên và Cù Lao Dung. Tỉnh phấn đấu có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 15-18 tiêu chí. Đến thời điểm này, Sóc Trăng đã có 23/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 28,75%) và có 16 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, còn lại 41 xã đạt dưới 15 tiêu chí. Hiện, huyện Mỹ Xuyên đã có 7/10 xã đạt chuẩn; huyện Cù Lao Dung có 2/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo ông Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương của tỉnh phải tập trung thực hiện ở 17 xã còn lại để đưa 50% số xã nông thôn của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020 và phấn đấu các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên. Mặc dù so với nghị quyết, chỉ tiêu thực hiện vẫn còn chậm, nhưng tỉnh chủ trương xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, không chạy theo thành tích. Để đạt được kế hoạch, Sóc Trăng cần tập trung nguồn vốn ngân sách để phát triển sản xuất và giải phóng mặt bằng. Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, tạo nguồn thu cho tỉnh, huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới có hiệu quả và mang tính bền vững.
Hồ nuôi tôm của gia đình anh Đỗ Chí Tâm, phường 4, thành phố Sóc Trăng được khởi nguồn từ nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Để có nguồn kinh phí hoạt động hàng năm cho các địa phương, ngân sách tỉnh bố trí 30 tỷ đồng (mỗi huyện, thị xã 3 tỉ đồng) để hỗ trợ UBND các huyện, thị xã. Ngoài ra còn có các nguồn vốn hỗ trợ khác từ Trung ương và vốn xã hội hóa, vốn lồng ghép từ các chương trình để xây dựng nông thôn mới. Trong xây dựng nông thôn mới, Sóc Trăng đã đẩy mạnh phát triển giao thông, đảm bảo sản xuất, sinh hoạt, đời sống của người dân thông qua việc triển khai các công trình điện, đường, trường, trạm… góp phần giữ vững quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội. Từ đó, góp phần tăng thu nhập người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn. Riêng về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, Sóc Trăng tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cơ sở, phục vụ thiết thực hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân nông thôn. Tổng vốn ngân sách bố trí phát triển hạ tầng nông thôn 2 năm trở lại đây đạt trên 353 tỷ đồng; trong đó, ngân sách của Trung ương gần 280 tỷ đồng, để thực hiện 346 công trình gồm 300 công trình giao thông, 1 công trình thủy lợi, 13 công trình trường học, 29 công trình cơ sở vật chất văn hóa, 01 công trình nước sạch và 2 công trình khác. Bên cạnh đó, tỉnh còn lồng ghép các nguồn vốn khác với tổng cộng gần 1.892 tỷ đồng (như vốn thủy lợi phí, hỗ trợ đất lúa, phát triển giao thông nông thôn, giáo dục,…) để thúc đẩy quá trình hoàn thiện hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho các xã (nhất là xã điểm xây dựng nông thôn mới) hoàn thành tiêu chí theo kế hoạch...
Trung Hiếu