Một góc rừng và tuyến kênh đào dẫn nước để phục vụ cho công tác phòng chống cháy rừng tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Thanh Tân-TTXVN |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc sáp nhập khu rừng văn hóa, lịch sử Chàng Riệc vào vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tinh giản bộ máy; đồng thời thực hiện tốt mục tiêu Bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học đặc trưng của vùng rừng chuyển tiếp giữa Tây nguyên, miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra, bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử cấp quốc gia như: Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; bảo vệ cảnh quan, môi trường tự nhiên, Phát triển du lịch sinh thái.
Hai khu rừng đặc dụng trên đều nằm trong quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát có tổng diện tích 19.210 ha; trong đó phân khu được bảo vệ nghiêm ngặt là 8.198 ha, phân khu phục hồi sinh thái 10.883 ha, phân khu hành chính dịch vụ 129 ha.
Khu rừng văn hóa, lịch sử Chàng Riệc có tổng diện tích 10.812 ha; trong đó phân khu được bảo vệ nghiêm ngặt là 2.417 ha, phân khu phục hồi sinh thái 8.394 ha, phân khu hành chính dịch vụ 1 ha. Cả 2 khu rừng này đều nằm trên khu vực huyện Tân Biên, dọc biên giới Việt Nam - Campuchia.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, sau khi được sáp nhập, ngoài mục tiêu nâng cao giá trị, quy mô, tầm ảnh hưởng của vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát ở trong nước và quốc tế, còn tạo điều kiện thuận lợi về mặt tổ chức, quản lý, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; thúc đẩy phát triển ngành du lịch về nguồn, du lịch sinh thái và tập trung các nguồn lực về tài chính, con người; thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng và phát triển bền vững vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát.
Lê Đức Hoảnh