Sắp mở cửa đón khách du lịch thăm quan Nhà hát Lớn Hà Nội

Sắp mở cửa đón khách du lịch thăm quan Nhà hát Lớn Hà Nội
Theo đó, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ phục vụ khách tham quan du lịch và thưởng thức nghệ thuật vào tất cả các ngày trong tuần. Du khách sẽ được tham quan nhà hát, giới thiệu cụ thể về lịch sử, kiến trúc của Nhà hát; thưởng thức nghệ thuật chất lượng cao ở cả sân khấu chính và sân khấu nhỏ tại phòng Gương. Ngoài ra, du khách sẽ được tương tác với hoạt động diễn tập chương trình ở sân khấu chính; trải nghiệm ngồi lô dành cho nguyên thủ khi xem biểu diễn; xem khu vực trưng bày hình ảnh, bản vẽ thiết kế ban đầu Nhà hát, các hiện vật gắn với Nhà hát Lớn từ khi khởi công xây dựng đến nay… Tại Nhà hát Lớn cũng sẽ trưng bày các hình ảnh địa danh nổi tiếng của Việt Nam để du khách tìm hiểu.
 
Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: internet
Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: internet

Sản phẩm tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội có thể tiếp đón tối đa 20 người/đoàn một lần tham quan, thưởng thức nghệ thuật trong thời gian khoảng 80 phút. Du khách có thể lựa chọn nhiều khung giờ trong ngày, nếu không có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, du khách có thể chỉ chọn tham quan.

Riêng về chương trình biểu diễn nghệ thuật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã giao nhiệm vụ cho Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng, đảm bảo các tiêu chí không nên quá hàn lâm, nặng tính nghệ thuật mà cần tươi vui, nhẹ nhàng, thể hiện được văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ xây dựng 3 chương trình nghệ thuật ca múa nhạc tổng hợp do Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Đương đại Việt Nam phối hợp biểu diễn.

Để chuẩn bị cho việc mở cửa đón du khách tới Nhà hát Lớn vào tháng 6/2017, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ Nhà hát Lớn bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thuyết minh, giới thiệu những nét kiến trúc đặc sắc, đáng tự hào của Nhà hát đến du khách. Tổng cục Du lịch cũng sẽ giới thiệu đến các công ty lữ hành, khách sạn về sản phẩm du lịch này; sản xuất ấn phẩm, vật phẩm, tờ rơi để giới thiệu đến các công ty lữ hành; lấy ý kiến đóng góp để sản phẩm này phù hợp với nhu cầu của du khách…

Nhà hát Lớn Hà Nội được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với khí hậu Việt Nam. Nhà hát Lớn Hà Nội có giá trị lớn về mặt lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật và giá trị sử dụng. Nhà hát là bằng chứng lịch sử của sự phát triển văn hóa, xã hội của Hà Nội, Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc, một di tích của một giai đoạn phát triển kiến trúc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nhà hát Lớn Hà Nội và quảng trường Nhà hát là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 và những năm đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa… Cho đến nay, Nhà hát Lớn Hà Nội luôn là trung tâm của các cuộc họp, hội nghị mít tinh quan trọng và các buổi biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao của các đoàn nghệ thuật trong nước, quốc tế...

Bắt đầu từ tháng 9/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa chuỗi các chương trình nghệ thuật chất lượng cao vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Việc này đã tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên có cơ hội thể hiện tài năng, sức sáng tạo nghệ thuật, cống hiến nhiều hơn cho khán giả trong không gian văn hóa sang trọng nhất của Thủ đô Hà Nội. Từ đó đến nay đã có rất nhiều loại hình nghệ thuật được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, thu hút đông đảo người yêu nghệ thuật Thủ đô mua vé đến xem.

Trong tối 4-5/5, các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam trình diễn 2 vở cải lương đặc sắc. Đó là “Cung phi Điểm Bích” – vở diễn của Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội gây chấn động giới kịch nghệ Thủ đô năm 2008. Vở diễn của tác giả Hoàng Công Khanh, chuyển thể cải lương Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Chi, đạo diễn: Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai do Nhà hát Cải lương Trung ương dàn dựng. Tiếp đó là vở “Hừng đông” do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản văn học, Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, nghệ sĩ Triệu Trung Kiên đạo diễn. Đây là vở diễn mới, khắc họa hình tượng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu và các đồng chí, đồng bào hoạt động cách mạng giai đoạn 1923 - 1940…

Thanh Giang
TTXVN

Có thể bạn quan tâm