Sáng tạo, lan tỏa các hoạt động bảo vệ môi trường tại tỉnh Đắk Lắk

Sáng tạo, lan tỏa các hoạt động bảo vệ môi trường tại tỉnh Đắk Lắk

Vẽ bích họa đường phố, tái sinh rừng bằng phương pháp “bom hạt giống”, phát túi thân thiện với môi trường, trồng cây xanh… là những hoạt động đang được các địa phương, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thực hiện nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6. Đây là những việc làm thiết thực, có giá trị lan tỏa cao, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và phục hồi hệ sinh thái.

Khoác “áo mới” cho tường và cột điện

Dự án “Bích họa đường phố - Bản sắc Tây Nguyên” vừa được Huyện Đoàn Cư M’Gar (tỉnh Đắk Lắk) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 5/6. Dự án gồm 3 giai đoạn, nội dung công việc gồm: Vẽ tranh 3D với 30 bức tranh mang chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái” tại Trường Mầm non Hoa Hồng (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar); vẽ tranh 3D tô điểm cho 150 cột điện, nắp hố ga công cộng trên địa bàn thị trấn Quảng Phú.

Sáng tạo, lan tỏa các hoạt động bảo vệ môi trường tại tỉnh Đắk Lắk ảnh 1  Bạn trẻ tham quan đoạn đường vẽ tranh bích họa kêu gọi bảo vệ môi trường ở huyện Cư M’Gar. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Trường Mầm non Hoa Hồng có vị trí đối diện với Quảng trường trung tâm thị trấn Quảng Phú, nằm trên tuyến đường chính, đông người qua lại. Bức tường bên hông trường trước đây là một trong những “điểm đen” về rác của huyện, vừa mất mỹ quan đô thị, vừa gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng đó, Huyện Đoàn Cư M’Gar phối hợp với các đơn vị triển khai dự án “Bích họa đường phố - Bản sắc Tây Nguyên”.

Sáng tạo, lan tỏa các hoạt động bảo vệ môi trường tại tỉnh Đắk Lắk ảnh 2Thòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phát 200 túi thân thiện với môi trường tại chợ Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: TTXVN phát

Những bức ảnh về bến nước của người Ê Đê, con ong hút mật trên hoa dã quỳ, con bướm khoe sắc trên hoa cà phê, đôi bàn tay bảo vệ hệ sinh thái rừng và suối nước, đồng bào các dân tộc Đắk Lắk với mọi lứa tuổi chung tay bảo vệ môi trường… đã khoác “áo mới” cho bức tường với diện tích 50m2 của Trường Mầm non Hoa Hồng. Diện mạo mới của bức tường khiến nhiều người dân đi qua, đặc biệt là giới trẻ thích thú, đến chụp hình kỷ niệm.

Chị Trần Thị Kim Oanh (Kim Anh Art), đơn vị thiết kế và thi công dự án “Bích họa đường phố - Bản sắc Tây Nguyên” cho biết, đơn vị của chị đã sử dụng hình ảnh thiên nhiên thân thiện với môi trường, nét đặc trưng trong văn hóa dân tộc Ê Đê (hoa văn thổ cẩm, bến nước, nhà dài) và địa điểm du lịch của huyện để sáng tạo, thiết kế và vẽ. Ngoài phối hợp với Huyện Đoàn Cư M’Gar, đơn vị còn phối hợp “khoác áo mới” cho gần 20 bức tường ở các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Thông điệp chuyển tải nhằm kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường.

Mới đây, đơn vị của chị Trần Thị Kim Oanh phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Buôn Ma Thuột và Đoàn phường Tân Lợi đã xóa điểm đen rác thải, vẽ bích họa kêu gọi bảo vệ môi trường ở tuyến đường Nguyễn Trác, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột. Chị Kim Oanh tâm sự: “Mình muốn cống hiến cho cộng đồng, đóng góp công sức cho xã hội từ hoạt động vẽ tranh. Không chỉ khoác áo mới cho tường trường hoặc đường phố, mình còn mong muốn quảng bá nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, quảng bá các điểm du lịch và kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng rác thải nhựa, tích cực trồng cây xanh”.

Theo anh Y Wal Mlô - Bí thư Huyện Đoàn Cư M’Gar, dự án là tâm huyết của tuổi trẻ huyện Cư M’Gar và các đơn vị liên quan nhằm xóa các điểm đen về rác thải, xóa biển rao vặt quảng cáo, lan tỏa tình yêu thiên nhiên và môi trường cho nhân dân trên địa bàn, làm đẹp mỹ quan đô thị của trung tâm huyện Cư M’Gar. Sau khi dự án “Bích họa đường phố - Bản sắc Tây Nguyên” hoàn thành, Huyện Đoàn sẽ nghiên cứu, triển khai, nhân rộng ở các tuyến đường khác theo quy hoạch tương ứng với mỗi chủ đề tại một tuyến đường.

Sáng tạo, lan tỏa các hoạt động bảo vệ môi trường tại tỉnh Đắk Lắk ảnh 3 UBND huyện Cư M’Gar tổ chức thả hơn 24.300 con cá giống ở đập Đar, xã Cư Dliê Mnông. Ảnh: TTXVN phát

Ngoài ra, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, trên địa bàn huyện Cư M’Gar còn tổ chức các hoạt động như: Ra quân trồng mới và chăm sóc 1.500 cây xanh, tổ chức chương trình thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản trên diện tích 163 ha mặt nước ở đập Đar (xã Cư Dliê Mnông), với hơn 24.300 con cá giống các loại. Thông qua các hoạt động, Huyện Đoàn Cư M’Gar mong muốn và kêu gọi “mỗi đoàn viên thanh niên trồng và chăm sóc ít nhất một cây xanh”; thiết thực chào mừng thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tái sinh rừng

Cũng trong Ngày Môi trường thế giới 5/6, khoảng 30 bạn trẻ yêu thiên nhiên và môi trường đã tham gia khôi phục và trồng mới cánh rừng nguyên sinh tại khu vực đất trống, đồi trọc ven quốc lộ 27 (dưới chân Thác Bìm Bịp, xã Yang Tao, huyện Lắk). Đây là dự án tái sinh rừng bằng phương pháp “bom hạt giống”, do nhóm bạn trẻ yêu thiên nhiên và môi trường kết hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk thực hiện.

Sáng tạo, lan tỏa các hoạt động bảo vệ môi trường tại tỉnh Đắk Lắk ảnh 4 Huyện Đoàn Cư M’Gar phối hợp tổ chức trồng mới và chăm sóc 1.500 cây xanh. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Anh Phạm Thanh Tuấn - người khởi xướng dự án cho biết, tái sinh rừng bằng phương pháp “bom hạt giống” là phương pháp gieo trồng bằng hạt giống được bọc trong vật liệu đất. Cách tạo “bom hạt giống” là rửa sạch, phơi khô hạt cây rừng cần trồng, sau đó trộn đất sét với phân bón và nước, nhào kỹ bằng tay và cho hạt vào giữa rồi vo viên lại. “Bom hạt giống” sinh trưởng dựa theo nguyên lý tự nhiên, nảy mầm khi gặp trời mưa, không cần bón phân hoặc tưới nước. Sử dụng phương pháp này có những ưu điểm như chi phí rẻ, tỷ lệ nảy mầm của cây cao, khắc phục những khó khăn về điều kiện khí hậu cũng như tiết kiệm nhân lực, chi phí trồng rừng.

Sau 2 tuần chuẩn bị và một ngày thực hiện, các bạn trẻ đã gieo vào đất trống hơn 300 “bom hạt giống” và trồng mới 100 cây rừng bản địa. Đây là lần đầu tiên dự án tái sinh rừng bằng phương pháp “bom hạt giống” triển khai tại Đắk Lắk nhận được sự tham gia nhiệt tình của các bạn trẻ, yêu thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.

Bạn Nguyễn Huy Thịnh (phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột) chia sẻ, tham gia dự án và được trải nghiệm trồng rừng, Thịnh cảm thấy tự hào vì đã đóng góp một phần công sức cho việc bảo vệ và phát triển rừng. Bản thân Thịnh đánh giá cao phương pháp tái tạo, phủ xanh đồi trọc bằng “bom hạt giống” vì nhỏ gọn, thuận tiện, ai cũng có thể mang theo để "ném" tại các khu vực rừng đi qua. Đặc biệt, khi trồng, mỗi cây đều được gắn mã QR định danh người trồng và tọa độ trồng để tiện theo dõi; thành quả trồng thì người dân bản địa được hưởng.

Cũng trong dịp này, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát 200 túi đi chợ thân thiện với môi trường (tổng giá trị 3 triệu đồng) và tuyên truyền về bảo vệ môi trường tại chợ Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột. Tỉnh Đoàn Đắk Lắk đồng loạt tổ chức các hoạt động như: Trồng mới và chăm sóc hơn 9.300 cây xanh, cắm 61 bảng “cấm đổ rác”, trồng mới hơn 10km đường hoa, xóa bỏ 85km quảng cáo rao vặt,…

Sáng tạo, lan tỏa các hoạt động bảo vệ môi trường tại tỉnh Đắk Lắk ảnh 5 Trồng mới cây rừng bản địa tại huyện Lắk. Ảnh: TTXVN phát

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk Phan Thị Trinh cho biết, thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt, trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2021, tuổi trẻ Đắk Lắk phấn đấu trồng mới và chăm sóc 100.000 cây xanh. Đối với những tổ chức cơ sở Đoàn và Đoàn trực thuộc có quỹ đất thì tiến hành trồng cây, phát quang bụi rậm và tổng vệ sinh; đối với những nơi không có quỹ đất thì chú trọng thực hiện các hoạt động văn minh đô thị như xóa bỏ quảng cáo rao vặt, tuyên truyền bảo vệ môi trường, tuyên truyền về dịch COVID-19 và các biện pháp phòng, chống dịch.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 4 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới được tổ chức ngắn gọn, sáng tạo, chú trọng hiệu quả và tính lâu dài, đảm bảo quy định về phòng, chống dịch. Các hoạt động đã tác động đến nhận thức của nhân dân, thiết thực kêu gọi thế hệ trẻ tỉnh Đắk Lắk chung tay bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái, để việc làm của mỗi người khi được lan tỏa sẽ góp phần xây dựng “Trái đất xanh”.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm