Rạn Trào - mô hình quản lý tổng hợp vùng ven biển

Rạn Trào - mô hình quản lý tổng hợp vùng ven biển
Khu bảo vệ được quản lý bởi chính người dân địa phương, với sự ủng hộ của các cấp chính quyền và các cơ quan khoa học. Trực tiếp bảo vệ Khu là những thành viên cộng đồng, do chính cộng đồng bầu chọn. Đây chính là mô hình quản lý tổng hợp vùng ven biển cấp cơ sở hiệu quả nhất hiện nay.

Rạn Trào là một rạn san hô gần bờ biển của vịnh Vân Phong, điểm gần bờ nhất cách khoảng 1km. Mặt dù diện tích không lớn, nhưng Rạn Trào lại có hệ động thực vật rất phong phú và đa dạng, độ phủ san hô cao với chất lượng tương đối tốt so với các rạn khác trong toàn vịnh Vân Phong. Số loài thủy sinh đã được phát hiện ở khu vực Rạn Trào chiếm trên 50% tổng số loài có trong vùng vịnh. 

Ảnh minh họa. Trọng Đạt - TTXVN
Ảnh minh họa. Trọng Đạt - TTXVN

Cụ thể như san hô chiếm 64%, cá rạn 69%, cỏ biển 75%. Các nghiên cứu cho thấy đa dạng sinh học ở đây khá cao, với khoảng 145 loài thực vật phù du, 115 loài động vật phù du, 190 loài động vật đáy mềm, 5 loài cây ngập mặn, 6 loài cỏ biển, đặc biệt là 82 loài san hô và 69 loài cá cùng với 25 loài động vật không xương sống trú ngụ và kiếm ăn trong khu vực rạn san hô. 

Những kết quả khảo sát điều tra cho thấy, có tới hơn 70% số hộ trong xã Vạn Hưng tham gia đánh bắt hải sản ven bờ. Do đó, nguồn tài nguyên sinh vật biển đã giảm 10% so với những năm 1980. Việc khai thác quá mức và khai thác bằng các phương pháp hủy diệt (xung điện, thuốc nổ, lưới rê), đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển, làm giảm số lượng cũng như chất lượng và thậm chí mất giá trị thương mại của nhiều loài hải sản. Những hoạt động không hợp pháp đó cũng gây tác hại nghiêm trọng cho các rạn san hô, độ phủ của rạn san hô cứng có chất lượng tốt chỉ còn khoảng 10%, thấp hơn so với mức trung bình vốn đã đáng báo động của toàn quốc. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ năm 2001, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), tiền thân là chi nhánh tại Việt Nam của Liên minh Sinh vật biển quốc tế (IMA), đã hỗ trợ cộng đồng địa phương xã Vạn Hưng xây dựng và triển khai Dự án thí điểm “Xây dựng Khu bảo tồn biển Rạn Trào” do địa phương quản lý. Nhằm quản lý và bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô ven bờ, qua đó phục hồi lại nguồn lợi thủy sản, tạo điều kiện cải thiện đời sống của người dân. 

Sau khi Dự án này kết thúc vào năm 2004, chính quyền và người dân địa phương vẫn tiếp tục duy trì và giữ vững những thành quả của Dự án, bằng chính nguồn lực của địa phương song vẫn gặp một số khó khăn. Trên cơ sở đề xuất của địa phương, MCD đã tìm kiếm và kết nối với một số dự án khác để hỗ trợ địa phương, tiếp tục thực hiện mục tiêu quản lý và bảo vệ nguồn lợi hải sản và các rạn san hô. 

Quá trình hình thành và phát triển Khu bảo vệ hệ sinh thái Rạn Trào chia thành 3 giai đoạn chính, trong đó giai đoạn xây dựng (2002-2005) đã tiến hành xây dựng kế hoạch phân vùng chức năng, hồ sơ pháp lý và xây dựng kế hoạch quản lý 2 năm (2009-2010). Xuyên suốt giai đoạn này, MCD dần chuyển giao vai trò “khởi xướng, điều phối” cho các đơn vị địa phương để giữ vai trò thúc đẩy, hợp tác. 

Tháng 2/2004, Khu bảo vệ hệ sinh thái Rạn Trào được chính thức giao cho Ban quản lý và dựa vào nội lực của địa phương là chính yếu. Một phần ngân sách hoạt động hàng năm của UBND huyện được huy động hỗ trợ chi phí xăng dầu, tu sửa thuyền tuần tra cho Nhóm hạt nhân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Rạn Trào. Sau này, UBND xã cũng đã tham gia đóng góp một phần cho hoạt động nêu trên. 

Kể từ khi được thành lập và vận hành cho đến nay, Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào đã trở thành 1 địa điểm được nhiều nhà nghiên cứu, kể cả sinh viên các trường đại học và cao đẳng, các cơ quan, tổ chức quan tâm, trong đó 14 nghiên cứu khoa học được triển khai ở đây. Từ những kết quả nghiên cứu và đánh giá, cơ sở dữ liệu cho Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào đã được xây dựng (như danh mục các loài thủy sinh, hồ sơ cộng đồng...), qua đó góp phần tích cực vào công tác quản lý tài nguyên ven bờ của huyện Vạn Ninh. 

Ngoài ra, hơn 30 lớp tập huấn, đào tạo được tổ chức với sự tham gia của gần 800 lượt người, gồm cán bộ quản lý và người dân địa phương về các kiến thức, kỹ năng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi, thực thi quy chế, phát triển sinh kế và kinh doanh. Bên cạnh đó, cán bộ và người dân còn được tạo cơ hội giao lưu, học hỏi các địa phương khác thông qua các chuyến tham quan thực tế, tham gia trình bày tại các hội thảo từ cấp vùng, quốc gia đến cấp quốc tế. 

Ảnh minh họa. Dương Chí Tưởng-TTXVN
Ảnh minh họa. Dương Chí Tưởng-TTXVN

Việc triển khai mô hình Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào đã cho thấy, có thể huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ cho quá trình quản lý tổng hợp vùng ven bờ. Với đặc trưng của vùng ven biển là sử dụng đa mục tiêu, sự tham gia và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, trong đó có cộng đồng là thực sự cần thiết cho sự điều phối hiệu quả. 

Điều này được thể hiện rõ trong thành phần Ban quản lý Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào, với sự tham gia đầy đủ từ lãnh đạo chính quyền cấp huyện, cấp xã, đến các lực lượng Bộ đội Biên phòng, quản lý nghề cá, đại diện cộng đồng địa phương, đặc biệt là vai trò cố vấn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong. Chính vì vậy, mọi hoạt động diễn ra đều được các bên liên quan hiểu rõ, tham gia và ủng hộ tích cực./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm