Những điệu múa, lời ca được biểu diễn tại các bản làng góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc Thái ở huyện Quế Phong. Ảnh: Nam Sương |
Hiện thực hóa lời dặn của Bác
Thực hiện lời dặn của Bác: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, những năm qua, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Quế Phong đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong lao động, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, thực hiện tốt công tác dân tộc… Nhờ vậy, bức tranh kinh tế - xã hội của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng đã có nhiều chuyển biến tích cực: cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông ngày càng phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên.
"Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết Đảng bộ huyện Quế Phong khóa XXI, thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 10,5 - 11%/năm, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững…" - Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quế Phong (Nghệ An). |
Từ một huyện kinh tế chủ yếu là tự cung tự cấp, Quế Phong dần chuyển sang sản xuất hàng hóa và xuất khẩu. Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước như: Chương trình 30a, 135, 167, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới…, Quế Phong đẩy mạnh triển khai những đề án phát triển cây, con bản địa như: đề án phát triển chăn nuôi, đề án quy hoạch vùng trồng chanh leo, vùng trồng rau an toàn… Từ đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc trong huyện có thu nhập ổn định, một số hộ trở lên giàu có. Cụ thể: hộ gia đình ông Lỳ Nỏ Pó, người dân tộc Mông ở bản Minh Châu, xã Tri Lễ, nhờ phát triển chăn nuôi, có cả 100 con trâu, bò, ngựa, thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm; hộ gia đình các anh Lang Văn Cường, Lang Văn Mão ở bản Tục, hộ gia đình chị Phạm Thị Huyên ở bản Piềng Văn, đều thuộc xã Đồng Văn, tận dụng mặt nước hồ thủy điện Hủa Na nuôi cá lồng, thu nhập hơn 300 triệu đồng/hộ/năm...
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quế Phong luôn tạo điều kiện tốt nhất để bà con dân tộc thiểu số được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Nam Sương |
Nhà máy thủy điện Hủa Na ở huyện Quế Phong đi vào hoạt động, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tạo sự chuyển biến về nhiều mặt trên địa bàn miền Tây Nghệ An. Ảnh: Nam Sương |
Tại xã biên giới Hạnh Dịch, với sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch và chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc nơi đây đã phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng các mô hình nông - lâm nghiệp... nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. "Tôi tự hào là con cháu Bác Hồ. Được bộ đội biên phòng và cán bộ địa phương hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi..., gia đình tôi đã thoát nghèo. Có Đảng, có Bác Hồ, cuộc sống của đồng bào miền núi huyện Quế Phong mới có được như ngày hôm nay!" - chị Lô Thị Duyên, người dân tộc Thái ở bản Na Xai phấn khởi cho chúng tôi biết thêm.
Bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Hạnh Dịch thăm khám, chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc, góp phần xây dựng thế trận lòng dân. Ảnh: Nam Sương |
53 năm đã qua kể từ năm 1966, Bác Hồ gửi thư khen và động viên đồng bào các dân tộc ở Quế Phong, chính quyền và người dân nơi đây vẫn coi bức thư của Bác Hồ là lời hiệu triệu, động viên, là khẩu hiệu để thi đua, phấn đấu học tập và rèn luyện, lao động và sản xuất, xứng đáng với sự tin tưởng của Người.
Bức thư của Bác Hồ gửi đồng bào và cán bộ các dân tộc huyện Quế Phong. Ảnh: Nam Sương |
Nhớ lời căn dặn của Bác: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết", ngành giáo dục huyện Quế Phong đã làm tốt công tác phổ cập giáo dục, kiên cố hóa trường, lớp và từng bước xóa phòng học tạm. Hiện toàn huyện có 63 cơ sở giáo dục ở tất cả các cấp học, cơ bản đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo. Các phong trào thi đua dạy và học được đẩy mạnh; các giải pháp dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số được tăng cường; công tác xã hội hóa giáo dục được tổ chức tốt. Đây là cơ sở để ngành giáo dục huyện Quế Phong phấn đấu đến năm 2020 đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập trung học cơ sở mức độ 2.
Công tác giáo dục trên địa bàn huyện Quế Phong từng bước được nâng lên cả về chất lượng dạy và học. Trong ảnh: Giờ giáo dục thể chất của con em đồng bào dân tộc ở Trường tiểu học Hạnh Dịch. Ảnh: Nam Sương |
Đến với Quế Phong hôm nay, một điều dễ nhận thấy nữa là công tác giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm; công tác xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 11,7%, thu nhập bình quân đạt 27,2 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn 32,9%, giảm 6,55% so với năm 2017. Số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn huyện đạt 9,6 tiêu chí, không còn xã dưới 7 tiêu chí. Dự kiến đến tháng 6/2019, huyện sẽ có 1 xã về đích nông thôn mới.
Mô hình nuôi trâu, bò, ngựa của gia đình ông Lỳ Nỏ Pó, người dân tộc Mông ở bản Minh Châu, xã Tri Lễ cho hiệu quả kinh tế cao nhờ biết khai thác tiềm năng địa phương. Ảnh: Nam Sương |
Những cây cầu treo được xây dựng, nối liền giao thông giữa các bản làng xa xôi với trung tâm huyện Quế Phong. Ảnh: Nam Sương |
Tận dụng mặt nước hồ thủy điện, đồng bào dân tộc ở xã Đồng Văn đã phát triển nghề nuôi cá lồng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Ảnh: Nam Sương |
Di chúc Bác Hồ vừa là những lời căn dặn ân cần, sâu sắc dành cho các thế hệ sau, vừa mang tính định hướng tương lai. Chính quyền và đồng bào các dân tộc ở Quế Phong đã, đang và sẽ luôn nỗ lực phấn đấu thi đua để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống, cùng chung sức xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Hoàng Tâm – Nam Sương