Quảng Trị: Sạt lở bờ sông lại tiếp diễn trong mùa mưa lũ

Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) bị sạt lở nghiêm trọng lấn sâu vào đất sản xuất của người dân. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN
Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) bị sạt lở nghiêm trọng lấn sâu vào đất sản xuất của người dân. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Vào mùa mưa lũ (tháng 9 - 11 hàng năm), tình trạng sạt lở bờ sông tại Quảng Trị lại tiếp diễn gây mất đất và đe dọa sự an toàn của nhiều hộ dân cùng các công trình.

Bờ sông Hiếu đoạn qua huyện Cam Lộ có thêm nhiều điểm sạt lở mới trong mùa mưa lũ 2023. Các đợt mưa lớn trong tháng 10/2023 khiến bờ sông Hiếu đoạn qua các thôn Tam Hiệp và Lâm Lang 2, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ bị sạt lở thêm ba điểm với tổng chiều dài khoảng 70m, ăn sâu vào đất sản xuất hàng chục mét, có điểm sạt lở vào sát đường bê tông liên thôn hoặc cách nhà ở của người dân chưa đến 20m.

Theo đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Cam Lộ, huyện đã chỉ đạo địa phương cảnh báo, giăng dây, cắm bảng báo hiệu nguy hiểm tại điểm sạt lở; vận động hộ dân sống gần điểm sạt lở di dời đến nơi an toàn khi có mưa bão; huy động nhân lực, phương tiện gia cố đường bê tông liên thôn.

Trước đó, mưa lũ lịch sử hồi tháng 10/2020 khiến trên trên 375m bờ sông Hiếu đoạn qua xã Cam Thủy và 550m đoạn qua xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ bị sạt lở nghiêm trọng. Huyện Cam Lộ phải huy động nguồn vốn hơn 10,5 tỷ đồng xây dựng kè bờ sông Hiếu đoạn qua hai xã này, góp phần hạn chế tình trạng sạt lở, bảo vệ tính mạng, tài sản của trên 300 hộ dân sống ven sông; đồng thời bảo vệ đất ở, đất sản xuất và cơ sở hạ tầng.

Bờ sông Hiếu đoạn qua thành phố Đông Hà còn nhiều điểm sạt lở nhưng chưa được đầu tư xây dựng kè. Bờ sông này đoạn qua khu phố 1, phường 3 bị sạt lở nghiêm trọng từ các đợt lũ lịch sử tháng 10/2020. Đến nay, sạt lở bờ sông Hiếu đoạn qua địa phương này ăn sâu từ 10-15m và đến sát mép nhà ở, các công trình của người dân ở ven sông.

Theo người dân sinh sống tại đây, nhà ở và nhiều công trình bị nứt, có nguy cơ đổ sập; mỗi khi có mưa lớn phải di dời đến chỗ khác. Bờ sông Hiếu đoạn từ phường 3 đến phường 4, thành phố Đông Hà có khoảng 1.500m cần đầu tư xây dựng kè để chống sạt lở.

Tương tự bờ của nhiều con sông khác tại Quảng Trị đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng mỗi khi mùa mưa lũ đến. Sạt lở bờ của sông Thạch Hãn diễn biến phức tạp, khó lường suốt nhiều năm qua, nhất là đoạn qua thị xã Quảng Trị và hai huyện Triệu Phong, Gio Linh. Bờ sông Bến Hải đoạn qua các xã Trung Sơn, Trung Giang (huyện Gio Linh), Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh) tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp. Bờ sông Ô Lâu ở huyện Hải Lăng bị sạt lở nặng đoạn qua các xã Hải Chánh và Hải Sơn. Bờ sông Vĩnh Định đoạn qua các xã Triệu Tài Tài, Triệu Hòa, Triệu Hòa, huyện Triệu Phong bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Tổng chiều dài sạt lở bờ của các con sông ở Quảng Trị là khoảng hơn 105km; trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm gần 18km, sạt lở nguy hiểm hơn 48km, sạt lở bình thường trên 39km, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân và nhiều công trình.

Biến đổi khí hậu và khai thác cát trái phép được cho là nguyên nhân chính khiến bờ của các con sông ở Quảng Trị bị sạt lở ngày càng trầm trọng, nhất là vào mùa mưa lũ từ tháng 9-11 hàng năm.

Tuy nhiên do nguồn lực còn khó khăn nên việc ứng phó với sạt lở bờ sông còn hạn chế. Giai đoạn từ năm 2022-2025, tỉnh dành 95 tỷ đồng đầu tư xây dựng bờ kè khắc phục 7km bờ các con sông bị sạt lở. Trong khi đó việc vận động người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông đến sinh sống tại các khu tái định cư để đảm bảo an toàn gặp nhiều khó khăn do mức hỗ trợ còn thấp.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tỉnh xem xét thực hiện nhiều giải pháp như huy động nguồn lực, kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng mức hỗ trợ để có thêm nguồn lực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông di dời đến khu tái định cư.


Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm