Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp, các cấp ngành trên địa bàn tỉnh Bình Định luôn xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, sâu rộng, làm tốt vai trò “cầu nối” giúp người nghèo có được ngôi nhà “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng) theo tiêu chí của Bộ Xây dựng, từ đó có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Dám nghĩ, dám làm
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 khang trang vừa được xây mới, đưa vào sử dụng tháng 6/2024, bà Nguyễn Thị Hương, trú phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn không giấu được niềm vui. Bà Hương kể, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, bản thân bà thường hay đau ốm nên không làm được việc nặng, hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn. Hàng chục năm sống trong căn nhà tạm bợ, xuống cấp nghiêm trọng, bà chưa bao giờ nghĩ có một ngày bản thân sẽ “sở hữu” mái ấm đúng nghĩa. “Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, tôi mạnh dạn vay mượn thêm người thân, con cháu để xây nhà. Từ đây, tôi an tâm sinh sống, không còn nơm nớp lo sợ nhà bị dột khi mưa lớn, bị sập nữa. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước rất nhiều”, bà Hương chia sẻ.
Niềm vui của bà Hương cũng là niềm vui của hàng trăm người nghèo khác trên địa bàn thị xã khi được quan tâm, giải quyết nhu cầu về nhà ở.
Ông Lê Đăng Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn khẳng định, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là hành động thực sự ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW của Trung ương. Thị xã đã có những bước đi cơ bản, từ sớm. Trong số những giải pháp đề ra, giải pháp hữu hiệu nhất, hiệu quả nhất chính là việc phát động “Đợt thi đua cao điểm 200 ngày toàn dân chung tay xây dựng thị xã Hoài Nhơn không còn hộ nghèo; không còn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo”, thực hiện từ ngày 7/8/2024-28/3/2025. Từ chỗ có 619 hộ nghèo, khoảng 1.800 hộ cận nghèo vào cuối năm 2023, đến nay toàn thị xã không còn hộ nghèo; có khoảng 200/208 hộ cận nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Đối với 8 trường hợp còn lại (chủ yếu vướng tranh chấp về đất đai, nhà cửa), địa phương sẽ nỗ lực hoàn thành sớm.
Ông Lê Đăng Tuấn chia sẻ, thị xã luôn xác định rõ quan điểm, để thực hiện thành công mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng lòng của các nhà hảo tâm, tổ chức cá nhân, doanh nghiệp và của đông đảo người dân. Cùng với đó, thị xã phải tìm ra những cách làm hay, sáng tạo, nhân rộng để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Đối với những hộ có đất ở hợp pháp, thị xã giao cho các xã, phường, Mặt trận, các tổ chức hội, Đoàn thanh niên - lực lượng nòng cốt hỗ trợ cả về kinh phí (xây mới được hỗ trợ 50 triệu đồng, sửa chữa được hỗ trợ 25 triệu đồng), nhân công, kỹ thuật xuyên suốt qua trình xây dựng. Nếu các hộ này không đủ tiền để làm, chính quyền sẽ đứng ra vận động bà con cho vay.
Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn cho biết thêm, đối với các hộ chưa có đất ở hoặc có đất ở nhưng đã bán cho người khác, thị xã sẽ nghiên cứu tạo quỹ đất theo đúng quy định của Luật Đất đai rồi xét giao đúng đối tượng, hỗ trợ như trường hợp nói trên. Giải pháp này đang được thực hiện tốt tại 6 xã trên địa bàn thị xã. Riêng tại các phường, khi bắt buộc phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, thị xã sẽ vận dụng linh hoạt hơn. Cụ thể, sẽ vận động người thân, gia đình có đất vườn tiến hành chia tách với một diện tích nhất định, chuyển đổi mục đích sử dụng rồi tặng cho người nghèo không có đất. Đây là bước đột phá lớn.
“Còn đối với trường hợp người nghèo có nhà ở nhưng xây dựng trên thửa đất chưa hợp pháp (vướng hành lang đường bộ, vướng khu vực quy hoạch nhưng chưa thực hiện), thị xã sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để sửa chữa để đạt chất lượng tối thiểu, đáp ứng tiêu chí "3 cứng" của Bộ Xây dựng, chứ không sử dụng vốn ngân sách để hỗ trợ. Qua đó, giúp giảm thiểu đáng kể thiệt hại về người và tài sản, nhất là trong mùa mưa bão. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo độc thân, chính quyền địa phương sẽ kêu gọi, vận động gia đình, dòng họ đưa về sống chung để đảm bảo ổn định cuộc sống… Nhờ những quyết sách táo bạo, thấu tình, đạt lý, thị xã tin tưởng sẽ “cán đích” trước thời hạn đề ra, trở thành “điểm sáng” của tỉnh trong thực hiện chủ trương này”- ông Lê Đăng Tuấn nói.
Giúp người nghèo an cư
Theo thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh có hơn 7.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 289 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương (các Chương trình mục tiêu quốc gia) là hơn gần 17,6 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh (hỗ trợ Đề án 3336 và đối ứng các Chương trình mục tiêu quốc gia) là hơn 117 tỷ đồng, vốn huy động từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là hơn 112 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 42,6 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, địa phương còn khoảng 1.056 hộ nghèo, hộ cận nghèo cần được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Công điện 102/CĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ…
Bà Phạm Minh Hảo, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Vân Canh cho hay, huyện miền núi Vân Canh là địa phương còn nhiều khó khăn. Toàn huyện còn khoảng 422 hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở. Thực tế cho thấy, xây dựng nhà ở là một trong những việc lớn của đời người; đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo còn quan trọng hơn gấp bội thế nhưng họ lại không đủ khả năng, tiềm lực để hiện thực hóa ước mơ, nguyện vọng đó. Do vậy, sự quan tâm, vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền là nguồn động viên, khích lệ to lớn giúp họ vượt qua nghịch cảnh, được an cư, có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định thông tin, nguồn lực dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh rất lớn. Qua rà soát, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch nhà ở năm 2025 trên địa bàn tỉnh để có cơ sở thực hiện. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tỉnh huy động nguồn lực xã hội hóa, lồng ghép với bài toán sử dụng nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định về phạm vi, đối tượng tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024… phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm hơn mốc 450 ngày đêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu người đứng đầu địa phương phải vào cuộc, nêu cao trách nhiệm nêu gương, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Nếu địa phương nào không hoàn thành nhiệm vụ, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Lê Phước Ngọc