Quảng Ninh thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền

Ngày 10/4, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06 - NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

vna_potal_quang_ninh_so_ket_3_nam_thuc_hien_cac_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gia_7316130.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, mặc dù mới qua 3 năm, nhưng đến nay tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành và hoàn thành vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng, cốt lõi của các nghị quyết, chương trình này. Điều đó khẳng định chủ trương, quyết sách rất đúng đắn của tỉnh đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân hết sức đồng thuận, hưởng ứng, tạo nên kỳ tích trong việc hiện thực hóa khâu đột phá về “thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh”.

vna_potal_quang_ninh_so_ket_3_nam_thuc_hien_cac_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gia_7316137.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát biểu. Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Ba năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU và các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo đột phá về phát triển, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối liên vùng và nội vùng, với nhiều công trình giao thông động lực kết nối đến các xã khó khăn, biên giới, cửa khẩu, cột mốc chủ quyền; kết nối liên thông các xã khó khăn với vùng đô thị và liên kết với các tỉnh lân cận. Từ đó tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản với chất lượng ngày càng cao cho người dân, tạo ra động lực và các điều kiện mới, thuận lợi cho phát triển của vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

vna_potal_quang_ninh_so_ket_3_nam_thuc_hien_cac_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gia_7316135.jpg
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr phát biểu. Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Tỉnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, con người của cả giai đoạn 2021 - 2025, nhân dân được thụ hưởng các thành quả phát triển của tỉnh. Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu về nâng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người cho người dân. Tính đến hết năm 2023, riêng thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,348 triệu đồng/người/năm; tăng 1,7 lần so với năm 2020; cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước và hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số.

vna_potal_quang_ninh_so_ket_3_nam_thuc_hien_cac_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gia_7316141.jpg
Lãnh đạo tỉnh trao đổi với đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Quảng Ninh là tỉnh được Trung ương giao tự cân đối ngân sách địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ba năm qua, tỉnh đã huy động nguồn lực rất lớn, trên 118.000 tỷ đồng để triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU và các chương trình mục tiêu quốc gia. Điểm nổi bật và khác biệt của Quảng Ninh là ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp và vốn ngân sách nhà nước lồng ghép chỉ chiếm khoảng 16%, còn vốn tín dụng và xã hội hóa chiếm tới 84%.

Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành 80% chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết số 06-NQ/TU và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hoàn thành trước 3 năm các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và đang chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập. Tỉnh hoàn thành, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí/chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới để đảm bảo tính bền vững và phát triển đối với 98/98 xã và 9 đơn vị cấp huyện (đã đạt chuẩn giai đoạn trước); 13/13 địa phương cấp huyện đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 4/7 huyện (57%) cơ bản hoàn thành tiêu chí/chỉ tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Quảng Ninh đã đạt các nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn tiếp theo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, cần tập trung nâng cao thu nhập bình quân đầu người của người dân vùng nông thôn đạt trên 100 triệu đồng/người/năm, lũy kế đến năm 2025 đạt lũy kế đến kết thúc nhiệm kỳ đạt 5.000 USD/người/năm; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chiến lược đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Cụ thể hóa việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững; tiếp tục mở rộng quy mô, diện bao phủ đi đôi với nâng cao chất lượng bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho nhân dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo theo tiêu chí “hạnh phúc”…

Văn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm