Quảng Ngãi: Học sinh vùng cao Tây Trà nhọc nhằn bám con chữ

Quảng Ngãi: Học sinh vùng cao Tây Trà nhọc nhằn bám con chữ
Nhà ở bán trú chật chội, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập của học sinh. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN
Nhà ở bán trú chật chội, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập của học sinh. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN

Năm học mới này, em Hồ Thị Thủy (trường Trung học phổ thông Tây Trà) cùng 3 chị em khác cùng thôn Hà Riềng, xã Trà Phong, huyện Tây Trà phải sinh hoạt trong căn phòng rộng chưa đầy 6m2. Tuy chật hẹp nhưng với các em thấy còn đỡ hơn mấy năm trước, khi phải ở trong căn chòi tạm bợ giữa ruộng. Nhà chỉ có cái giường cũ kỹ là giá trị, bởi các em phải ăn, ngủ và cả học bài ở trên giường. Em Hồ Thị Bé, lớp 9A, trường Trung học cơ sở Trương Ngọc Khang bộc bạch: “Em thấy ở thế này rất  thiếu thốn, mùa nắng thì nóng bức, mùa mưa thì nước tạt vào ướt hết sách vở...". Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bữa ăn của các em cũng chỉ có cơm và rau, quả hái ngoài vườn chế biến làm canh, ít khi nào có thịt, cá. Nhà các em ở thôn Hà Riềng, cách điểm ở của các em gần 10 km đèo dốc nên có muốn về cũng khó. Chỉ có chị cả Hồ Thị Mùi là khoảng 2 tuần lại ghé nhà một lần xin thêm gạo, muối. “Tan học về là 4 chị em rủ nhau ra bờ suối bắt con ốc, hái ít rau về nấu canh”- em Mùi nói. 
 
Các em học sinh dùng giường ngủ làm bàn để học. Ảnh: Phước Ngọc -TTXVN
Các em học sinh dùng giường ngủ làm bàn để học. Ảnh: Phước Ngọc -TTXVN

Thầy Lê Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng trường  Trung học phổ thông Tây Trà chia sẻ, Tây Trà là một trong những huyện nghèo nhất nước nên giáo viên, học sinh chịu nhiều thiếu thốn, thiệt thòi. Dù đã nỗ lực nhưng nhà trường vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu cao về phòng ở bán trú cho học sinh. 

Năm học 2017- 2018, toàn trường có trên 600 học sinh, trong đó có hơn 200 em phải ở nhờ nhà dân, nhà người thân hoặc trong những túp lều tạm ở bên ngoài. 

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Trà Phạm Sơn, có khoảng 700 học sinh có nhu cầu ở bán trú nhưng hiện nay, trên toàn huyện mới có 44 phòng và 20 container để ở. Nếu bố trí, sắp xếp một phòng 8 em, vẫn còn cần khoảng 30 phòng nữa mới đủ. 

“Trong vài năm trở lại đây, UBND huyện cũng rất quan tâm đầu tư cho ngành giáo dục và đào tạo ở địa phương, kêu gọi nguồn xã hội hóa mạnh mẽ. Huyện dự kiến sẽ xây dựng thêm 3 trường Phổ thông Dân tộc bán trú theo Quyết định 368 của UBND tỉnh Quảng Ngãi nhưng chỗ ở của các em chưa có nên chưa thành lập được, phải chờ đến năm 2020”- ông Sơn nói. 
Vĩnh Trọng 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm