Quảng Bình: Tiếp sức, đồng hành cùng thanh niên trên đường khởi nghiệp

Ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm và định hướng khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn năm 2020 thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Ảnh: TTXVN phát
Ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm và định hướng khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn năm 2020 thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Ảnh: TTXVN phát

Trước những tác động mạnh mẽ và tích cực của xu thế hội nhập, phát triển, tuổi trẻ Quảng Bình luôn ra sức phấn đấu, vừa lao động, học tập, rèn luyện, vừa sáng tạo, xung kích, dám nghĩ, dám làm, có ý chí lập thân, lập nghiệp, khát vọng vươn lên làm giàu trên chính quê hương. Đồng hành, tiếp sức cùng thanh niên khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên mạnh dạn, tự tin vững bước trên con đường phát triển kinh tế, dựng xây quê hương giàu mạnh.

Tuổi trẻ dám nghĩ dám làm

Một trong những điển hình tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập thân khởi nghiệp của tỉnh Quảng Bình là chàng trai Nguyễn Hữu Phước (sinh năm 1994), Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Ngư Nam. Phước sinh ra và lớn lên ở vùng biển xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Cuộc sống của dân làng phụ thuộc chủ yếu vào nghề biển nên khá bấp bênh và vất vả. Với hoài bão của tuổi trẻ, cùng với tình yêu quê hương, năm 2019, Phước từ bỏ công việc kỹ sư chuyên ngành chế biến thủy sản với thu nhập ổn định ở Thành phố Hồ Chí Minh để trở về, quyết tâm khởi nghiệp, góp sức xây dựng quê hương phát triển.

Quảng Bình: Tiếp sức, đồng hành cùng thanh niên trên đường khởi nghiệp ảnh 1Anh Nguyễn Hữu Phước (phải), một điển hình tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TTXVN phát

Nguyễn Hữu Phước chia sẻ: “Hành trang ngày về của em lúc ấy chỉ vẻn vẹn 70 triệu đồng làm vốn và những kinh nghiệm tích lũy sau 2 năm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến thủy sản. Ban đầu, người thân không đồng tình, nhất là ba mẹ em khá buồn vì luôn mong em sẽ phát triển sự nghiệp ở thành phố lớn. Nhưng em có niềm tin mình có kiến thức, có ý chí, bản lĩnh và trở về đóng góp điều gì đó cho quê hương, nhất định sẽ thành công”.

Với ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình sản xuất chế biến thủy sản, Nguyễn Hữu Phước nhanh chóng bắt tay vào công việc. Để tiết kiệm tối đa chi phí, anh tận dụng đất của gia đình xây dựng nhà xưởng 100m2 làm nơi chế biến. Để có thêm vốn, Phước vay mượn thêm người thân, bạn bè và vốn hỗ trợ từ Trung ương Đoàn, Phòng Nông nghiệp huyện Lệ Thủy, đồng thời tranh thủ sự quan tâm đồng hành của tổ chức Đoàn các cấp trên địa bàn.

Phước tham gia tích cực các hoạt động trong cộng đồng khởi nghiệp, tập huấn, hội nghị… để học hỏi thêm kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường phát triển sản phẩm. Cơ sở chế biến thủy sản của Phước chuyên sản xuất các sản phẩm hải sản tươi sống, đông lạnh và khô, hải sản tẩm gia vị, mực một nắng và một số sản phẩm hải sản khác. Đặc biệt, các sản phẩm đều chế biến từ nguồn nguyên liệu tươi ngon của địa phương, có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, được người tiêu dùng nhanh chóng đón nhận và tin dùng. Sản phẩm thủy sản của Phước không chỉ có mặt tại các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị và nhà hàng lớn trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh, thành lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Gia Lai, Hà Tĩnh…

Quảng Bình: Tiếp sức, đồng hành cùng thanh niên trên đường khởi nghiệp ảnh 2Anh Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ thuỷ sản Ngư Nam, vinh dự là đại diện duy nhất của Quảng Bình nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022. Ảnh: TTXVN phát

Tháng 3/2021, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Ngư Nam được thành lập do Nguyễn Hữu Phước làm Giám đốc, với 8 thành viên cùng tham gia hoạt động. Bằng quy trình sản xuất, chế biến hiện đại, khép kín và đúng quy định, hai sản phẩm của hợp tác xã là mực khô và cá lóc khô tẩm gia vị được công nhận là sản phẩm OCOP năm 2021. Cùng với đó, dự án “Chế biến cá lóc khô tẩm gia vị tại cơ sở chế biến thủy sản Ngư Nam” của Nguyễn Hữu Phước đã đoạt giải ba Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Quảng Bình.

Quảng Bình: Tiếp sức, đồng hành cùng thanh niên trên đường khởi nghiệp ảnh 3Sản phẩm từ mô hình chế biến thuỷ sản của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ thuỷ sản Ngư Nam. Ảnh: TTXVN phát

Nguyễn Hữu Phước phấn khởi chia sẻ: Năm 2020, mô hình chế biến thủy sản mang lại tổng doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận gần 150 triệu đồng. Đến năm 2022, Hợp tác xã phấn đấu đạt tổng doanh thu 3,5 tỷ đồng và hiện đang góp phần giải quyết việc làm cho 12 lao động địa phương; trong đó có 8 lao động thời vụ, với thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng lên 1.000m2, tiếp tục nghiên cứu thị trường và có các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; phát triển chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người dân, nhất là các hộ nuôi trồng thủy hải sản tại địa phương. Hợp tác xã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình cho các đoàn viên thanh niên tham quan, học hỏi và có tinh thần khởi nghiệp.

Anh Phạm Văn Hoạt, Bí thư Huyện Đoàn Lệ Thủy (Quảng Bình) đánh giá: Mô hình sản xuất kinh doanh của Nguyễn Hữu Phước đã phát huy hiệu quả, sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu của thị trường với giá cả hợp lý, địa bàn kinh doanh ngày càng được mở rộng. Anh Phước còn là người tiên phong, xung kích, gương mẫu trong công tác Đoàn, phong trào thanh niên và các hoạt động nhân đạo hướng về cộng đồng. Nguyễn Hữu Phước vinh dự là đại diện duy nhất của Quảng Bình nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022. Thành công bước đầu của Nguyễn Hữu Phước đã tiếp động lực cho các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn dám dấn thân thực hiện ước mơ, hoài bão và cống hiến tài đức cho quê hương đất nước trên con đường phát triển.

“Tiếp lửa” thanh niên lập thân khởi nghiệp

Anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Bình cho biết, để hỗ trợ thanh niên lập thân, khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp, các giải pháp củng cố, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần khuyến khích, thúc đẩy nhu cầu làm giàu chính đáng của thanh niên. Giai đoạn 2017-2022, các cấp bộ Đoàn chú trọng mở rộng hoạt động cộng đồng khởi nghiệp, các mô hình Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế, hợp tác xã, tổ hợp tác kinh tế được phát huy như các mô hình “Thanh niên làm kinh tế”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”,…

Quảng Bình: Tiếp sức, đồng hành cùng thanh niên trên đường khởi nghiệp ảnh 4

Ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm và định hướng khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn năm 2020 thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Ảnh: TTXVN phát

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Bình chỉ đạo trực tiếp Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế đưa ra các phương án giúp đoàn viên, thanh niên lập nghiệp phát triển kinh tế tại Làng thanh niên lập nghiệp Quảng Châu (huyện Quảng Trạch) và Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân (huyện Quảng Ninh); trong đó triển khai các mô hình sản xuất nông phẩm sạch như trồng dưa chuột nhà màng, chăn nuôi gà, trồng cây công nghiệp, duy trì và phát triển vườn cây thanh niên…; thành lập và đưa vào sử dụng cửa hàng Bến Xanh để tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch do đoàn viên, thanh niên tại 2 làng lập nghiệp sản xuất.

Công tác hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế được Đoàn Thanh niên triển khai hiệu quả. Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 268 tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý với tổng số tiền gần 510 tỷ đồng; nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm từ kênh Trung ương Đoàn ủy quyền cho Tỉnh đoàn quản lý là hơn 2,47 tỷ đồng với 92 dự án, giải quyết việc làm cho trên 450 đoàn viên thanh niên.

Để giúp đoàn viên thanh niên chọn, học nghề lập nghiệp phù hợp với bản thân và sự phát triển của xã hội, chương trình đồng hành cùng thanh niên trong hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cũng được chú trọng. Trong 5 năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Quảng Bình và tổ chức Đoàn các cấp trong tỉnh đã tư vấn, hướng nghiệp cho gần 82.250 đoàn viên, thanh niên; cung ứng, giới thiệu việc làm cho hơn 9.950 lao động trong nước và 2.090 đoàn viên thanh niên xuất khẩu lao động.

Từ các chương trình, phong trào, hoạt động thanh niên khởi nghiệp đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia; hình thành nhiều mô hình, dự án do đoàn viên, thanh niên làm chủ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thanh niên; qua đó góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Quảng Bình: Tiếp sức, đồng hành cùng thanh niên trên đường khởi nghiệp ảnh 5 Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Bình thăm cơ sở làm việc của đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Ảnh: TTXVN phát

Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Bình Đặng Đại Bàng cho hay: Thời gian tới, để “tiếp lửa”, đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn và triển khai các khoản tài trợ từ Quỹ Hạt giống khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên vay vốn phát triển kinh tế; tăng cường tuyên truyền, hưởng ứng và tham gia Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”; duy trì hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp. Cùng với đó, khuyến khích thanh niên phát triển các mô hình kinh tế trong khu vực dịch vụ, dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Các cấp bộ Đoàn chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp, tham gia triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; phát động chương trình “Mỗi thanh niên nông thôn là một thương nhân, mỗi hợp tác xã thanh niên một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” và nhân rộng các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp thành công....

Các cấp bộ Đoàn tỉnh Quảng Bình tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động, chính sách, kiến thức về khởi nghiệp, lập nghiệp, đào tạo nghề cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên và cùng đồng hành với thanh niên trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm ngày càng chất lượng và có chiều sâu.

Võ Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm