Quảng Bình đưa internet về với đồng bào vùng sâu, biên giới

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch được kết nối với thông tin phục vụ học tập và trang bị thêm kiến thức xã hội. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch được kết nối với thông tin phục vụ học tập và trang bị thêm kiến thức xã hội. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Sau 2 tháng gấp rút thi công, chiều 17/9, tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức lễ khánh thành tuyến truyền dẫn cáp quang, internet băng rộng tại hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch). Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chính quyền điện tử, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội và giảm nghèo.

Quảng Bình đưa internet về với đồng bào vùng sâu, biên giới ảnh 1Quy mô Dự án gồm 1 tuyến cáp quang dài 62km và dựng hơn 1.300 cột sắt, cột bê-tông được xây dựng trong điều kiện cực kỳ khó khăn, không có điện lưới, giữa rừng núi. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Dự án đã hoàn thành đúng tiến độ với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng, quy mô xây dựng gồm 1 tuyến cáp quang dài 62 km và dựng hơn 1.300 cột sắt, cột bê tông. Trong quá trình triển khai, đơn vị thi công đã gặp rất nhiều khó khăn vì một mặt phải đáp ứng yêu cầu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) như phải ngụy trang cọc sắt và cáp quang dưới rừng cây xanh (do tuyến cáp quang phải đi qua Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng); mặt khác đơn vị phải thi công trong điều kiện mặt bằng chủ yếu là ở địa hình núi cao, vực sâu, không có điện lưới.

Quảng Bình đưa internet về với đồng bào vùng sâu, biên giới ảnh 2Đại diện UBND tỉnh Quảng Bình, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam cùng chính quyền địa phương cắt băng khánh thành công trình. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế và giúp người dân được thụ hưởng thông tin. Thông qua dự án, 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có internet, các cơ quan, ban, ngành của hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch sẽ thực hiện ứng dụng internet vào công việc và sinh hoạt hàng ngày, thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền xã với các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn.

Quảng Bình đưa internet về với đồng bào vùng sâu, biên giới ảnh 3Người dân xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch được kết nối với thông tin một cách dễ dàng. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Tân Trạch và Thượng Trạch là hai xã miền núi biên giới thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, đa số đồng bào là người dân tộc Chứt, Bru – Vân Kiều. Do sinh sống trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nên đồng bào ít được tiếp cận với thế giới bên ngoài. Vì vậy, ngay khi công trình hoàn thành nhiều người dân trong xã vui mừng vì từ nay được giảm “nghèo” thông tin.

Chị Y Hoa (trú tại bản Cà Roòng 2, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết, có internet, người dân rất vui mừng, ai cũng có thể vào mạng để tìm hiểu thông tin về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc tự tìm hiểu thông tin bổ ích về các mô hình, cách làm hay để phát triển kinh tế. Nhờ internet mà người dân cập nhật được tình hình bão số 5, qua đó sẽ chủ động ứng phó.

Quảng Bình đưa internet về với đồng bào vùng sâu, biên giới ảnh 4

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch được kết nối với thông tin phục vụ học tập và trang bị thêm kiến thức xã hội. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch mặc dù đã được trang bị hệ thống máy tính phục vụ các học sinh học tập nhưng không kết nối được internet nên các tiết học chỉ dừng lại ở việc đánh văn bản. Giáo viên khi muốn tìm kiếm thông tin phải ra thị trấn cách hơn 40 km mới có thể tiếp cận mạng internet. Vì vậy, khi công trình cáp quang, internet băng rộng hoàn thành, thầy và trò nhà trường đều không giấu được sự vui mừng.

Em Y Mân, học sinh lớp 9 Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch cho biết: Do không có internet nên trước đây việc học của em chủ yếu dựa vào sách vở với những bài giảng của thầy cô trên lớp. Giờ đây, có internet, ngoài thời gian học trên sách vở, em sẽ vào mạng tìm kiếm thêm thông tin phục vụ việc học tập cũng như trau dồi thêm kiến thức xã hội.

Nguyễn Văn Tý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm