Phòng ngừa đuối nước trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai

Dù chưa bước vào cao điểm mùa nắng nóng, nhưng tình trạng đuối nước ở trẻ em, nhất là trẻ em trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai đang có nguy cơ gia tăng. Để giảm thiểu tình trạng này, các cấp, ngành của tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai nhiều giải pháp.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 55 vụ đuối nước khiến 69 trẻ tử vong, trong đó có 49 em là người đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 81,8%). Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ khiến 12 trẻ em tử vong, trong đó có 10 trẻ là người đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 83,3%).

Người dân tộc thiểu số ở tỉnh thường sống trong những khu vực làng, xen lẫn những rẫy cà phê, dọc theo sông, suối…, đồng thời việc giám sát trẻ ở trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, cùng việc hạn chế các kỹ năng phòng, chống đuối nước đang là những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm vừa qua.

Đơn cử như vụ đuối nước của 3 trẻ xảy ra tại làng BotGrek, xã Hnol, huyện Đăk Đoa vào ngày 23/3. Sau khi đi học về, 3 trẻ gồm Chon (9 tuổi), Tra (12 tuổi) và Ta (8 tuổi) cùng rủ nhau đi chăn bò tại bãi cỏ bên bờ sông Ayun. Thời tiết nắng nóng, Chon, Tra và Ta rủ nhau xuống sông tắm. Mải thả trôi, nô đùa theo dòng nước, cả 3 cháu bị rơi vào vùng nước sâu cách khu vực tắm chừng 20m. Khi được người dân phát hiện, cả 3 cháu đã tử vong dưới dòng nước lạnh.

Mới đây nhất, vào chiều 29/3, hai bé gái là Rơ Chăm V (11 tuổi) và Rơ Châm Đ (12 tuổi) cùng trú tại làng D, xã Gào, thành phố Pleiku, cùng nhóm bạn nhỏ trong làng rủ nhau ra hồ Ia Hung (hồ của làng D) để tắm. Trong lúc chơi đùa, hai bé gái V và Đ bị ngã vào vũng sâu. Khi được người dân đưa lên thì Rơ Châm Đ. đã tử vong, Rơ Châm V. được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi. Hoàn cảnh gia đình của hai cháu bé gặp nạn rất khó khăn, gia đình đều thuộc diện hộ nghèo của làng.

Theo ông Phạm Trần Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước ở trẻ là do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em còn hạn chế; một bộ phận cha, mẹ, người chăm sóc trẻ thiếu sự quan tâm nhắc nhở, giám sát với con em mình. Bên cạnh đó, môi trường sống từ gia đình đến cộng đồng chưa an toàn cho trẻ em, một số địa phương chưa quan tâm rà soát, cắm biển cảnh báo những nơi nguy hiểm. Nhiều chủ ao, hồ, hố đào tưới cà phê, tiêu... còn thiếu trách nhiệm, chủ quan không làm rào chắn hoặc làm nhưng không đảm bảo an toàn, không làm biển cảnh báo nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao đuối nước cho trẻ em. Cùng với đó, đa số trẻ em người dân tộc thiểu số không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; số lượng bể bơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ em, môn bơi lội không được đưa vào môn học chính thức trong nhà trường. Ngoài ra, tình trạng thiếu khu vui chơi, sân chơi cho trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và khu vực nông thôn cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Để hạn chế tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, ông Phạm Trần Anh cho rằng, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trong đó, đưa chỉ tiêu về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng ngành và xây dựng kế hoạch thực hiện.

Các cơ quan chức năng cần khảo sát các điểm thường xảy ra đuối nước ở trẻ em, cắm các biển báo, biển cấm, nguy hiểm; huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế cho công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em như: áo phao cho trẻ em, đầu tư các bể bơi (cố định và di động) để phục vụ dạy bơi tại các xã hoặc trường học ở những nơi có nguy cơ đuối nước cao; tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống đuối nước trẻ em tại cộng đồng cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, đội ngũ cộng tác viên... Ngoài ra, các cơ quan liên quan cần nhân rộng và thực hiện có hiệu quả các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” cho học sinh, trẻ em, nhất là trẻ em trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm