Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lẵng hoa chúc mừng nhân dịp kỷ niệm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương dự buổi lễ.
Góp phần quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Phát biểu tại buổi lễ, biểu dương và chúc mừng những thành tích mà các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Điện lực đã đạt được trong suốt 65 năm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, ngành công nghiệp điện là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Quá trình phát triển của ngành Điện lực Việt Nam gắn liền với lịch sử đấu tranh, giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 21/12/1954, chỉ sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô, mặc dù đang bộn bề công việc tái thiết đất nước, Bác Hồ đã tới thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử và ngày 21/12 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành Điện lực cách mạng Việt Nam.
Phó Thủ tướng ghi nhận, trải qua 65 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, các thế hệ lãnh đạo, công nhân viên và người lao động của ngành Điện lực Việt Nam đã đoàn kết, đồng lòng, với tinh thần trách nhiệm cao, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hi sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó; đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước, qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ những ngày đầu tiếp quản, ngành Điện lực đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn để sửa chữa, phục hồi các nhà máy, đường dây tải điện từ chế độ cũ để lại, giữ cho dòng điện ổn định liên tục. Trong những năm tháng chiến tranh ở miền Bắc, các nhà máy điện là mục tiêu đánh phá hàng đầu của địch, nhưng với tinh thần "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu", những người thợ Điện Việt Nam đã không quản ngại hiểm nguy để bảo vệ, phát triển nguồn điện, phục vụ sản xuất và chiến đấu của đất nước.
Sau ngày thống nhất đất nước, ngành Điện lực Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu điện cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với chất lượng và độ tin cậy ngày càng được cải thiện, nâng cao. Quy mô nguồn và lưới điện không ngừng được mở rộng.
Năm 1990, tổng công suất nguồn điện cả nước chỉ có 2.510 MW, sản lượng điện sản xuất 8,7 tỷ kWh. Đến nay, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 23 trên thế giới với tổng công suất nguồn điện lên tới 54.850 MW (tăng gần 22 lần), điện năng sản xuất đạt khoảng 240 tỷ kWh (tăng 27,5 lần).
"Đặc biệt, ngành Điện lực đã có rất nhiều nỗ lực để ưu tiên đưa điện đến với người dân ở các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Từ đó, góp phần thay đổi căn bản diện mạo kinh tế và xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đóng góp to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời góp phần giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc" - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đến nay, 100% số xã và 99,25% số hộ dân nông thôn có điện, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cùng với đó, hiệu quả vận hành hệ thống điện được nâng cao, trong nhóm đứng đầu ASEAN và tiệm cận với các nước phát triển. Tỷ lệ tổn thất điện năng hiện chỉ còn 6,5% năm, đứng thứ 3 khu vực ASEAN và đã tiệm cận với tổn thất điện năng của các nước phát triển. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam hiện đứng thứ 27/190 Quốc gia, vùng lãnh thổ và thuộc nhóm 4 nước đứng đầu khu vực ASEAN.
"Kết quả này đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia" - Phó Thủ tướng ghi nhận, đồng thời cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngành Điện đã tích cực thực hiện tái cơ cấu, từng bước chuyển đổi hoạt động theo cơ chế thị trường.
"Trong đó đã hình thành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức từ năm 2012 và thị trường bán buôn điện canh tranh vận hành từ năm 2019, loại bỏ các yếu tố bao cấp, tạo sự cạnh tranh, minh bạch hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện" - Phó Thủ tướng cho biết.
Xác định ngành Điện là ngành kỹ thuật hạ tầng có công nghệ hiện đại, trong thời gian qua, các doanh nghiệp ngành điện đã quan tâm đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của ngành.
Đội ngũ cán bộ, kỹ sư và người lao động ngành Điện được đào tạo bài bản, có tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đã vươn lên làm chủ khoa học công nghệ (trong đó đã chủ trì thiết kế các nhà máy thủy điện lớn, hiện đại như thủy điện Sơn La, Lai Châu; các nhà máy điện nhiệt điện lớn và các công trình lưới điện đến 500kV).
Không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào
Theo Phó Thủ tướng, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm đưa Việt Nam sớm trở thành nước cơ bản là công nghiệp theo hướng hiện đại, việc đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân là nhiệm vu đặc biệt quan trọng. Bên cạnh những thành tựu to lớn mà ngành Điện đã đạt được, ngành cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
"Mà thách thức lớn nhất là nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới do nhiều dự án, nguồn điện chậm tiến độ và sự thiếu đồng bộ của đường dây truyền tải" - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh, khoảng 11%/năm trong các năm 2011 đến 2015, và hiện nay là khoảng 10%/năm. Do đó, yêu cầu phát triển nguồn điện là rất lớn.
Tổng công suất nguồn điện hiện khoảng hơn gần 55 ngàn MW (54.850 ngàn MW). Đến 2025, dự kiến khoảng trên 100 ngàn MW, gấp gần 2 lần hiện nay. Đến năm 2030, yêu cầu khoảng 130 - 140 ngàn MW. Cùng với đó là phải tập trung để tái cấu trúc lại nguồn điện; phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải điện
"Yêu cầu đặt ra với ngành điện là: Phải đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và tiêu dùng của nhân dân. Không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Điều đó đặt ra cho ngành điện, trong đó trụ cột là Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhiệm vụ hết sức nặng nề" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Điện lực phải chủ động tham gia với Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Điện 8 giai đoạn 2012 - 2030, tầm nhìn 2050.
"Trong đó phải xác định ngay tổng quy mô công suất, cơ cấu các nguồn điện trong từng giai đoạn; đồng thời xác định không gian bố trí các nguồn điện để làm cơ sở cho việc tiến hành điều chỉnh bổ sung Quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong thời gian trước mắt nhằm bổ sung đầu tư các nguồn điện mới như điện khí, điện mặt trời, điện gió,... đáp ứng yêu cầu đủ điện trong thời gian tới" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Ngành Điện lực phải tập trung tháo gỡ khó khăn, để sớm đưa các dự án trọng điểm, chậm tiến độ hoàn thành đi vào hoạt động; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư để thực hiện đầu tư xây dựng.
Về phát triển nguồn điện mới, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đầu tư có chiều sâu, sử dụng công nghệ hiện đại; đổi mới công nghệ các nhà máy điện đang vận hành, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường; đa dạng hóa các loại hình phát điện, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo với tỷ trọng hợp lý.
Về phát triển lưới điện, Phó Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện nhằm nâng cao chất lượng điện năng; khắc phục nhanh hiện tượng quá tải tại một số đường dây và trạm biến áp, giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.
"Đặc biệt, cần tiếp tục ưu tiên đầu tư hệ thống lưới điện nông thôn, điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, đề nghị Tập đoàn phối hợp với các địa phương cùng tập trung nguồn lực, chỉ đạo tổ chức thực hiện" - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó là vận hành an toàn, ổn định và tối ưu hệ thống điện, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước. Phó Thủ tướng đề nghị ngành Điện lực khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch huy động, cung ứng điện phù hợp để vừa bảo đảm đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt, đồng thời tiết kiệm nước, chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, nhất là ở khu vực Bắc Bộ và Miền Trung.
Thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện".
Bên cạnh đó là thực hiện tái cơ cấu, tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đưa vào hoạt động thị trường bán lẻ điện từ năm 2021; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác quản trị doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, sắp xếp, đổi mới mô hình quản lý và hoạt động theo hướng tinh gọn bộ máy, đơn giản, minh bạch hóa thủ tục, tạo sự chủ động và nâng cao năng lực điều hành, quản trị doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động, giảm thời gian tiếp cận điện năng, tạo lợi thế cạnh tranh trong cơ chế thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai các cấp độ thị trường điện cạnh tranh.
"Thực hiện các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động; thu hẹp, tiến tới đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực về năng suất lao động" - Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiêu thụ điện, từng bước thay thế các công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện năng bằng các công nghệ tiêu hao ít điện năng; tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trong toàn xã hội; đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động ngành Điện; xây dựng cơ chế tiền lương và thu nhập, chế độ đãi ngộ nhân tài phù hợp quy định của nhà nước.
"Đồng thời, đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thực hiện tốt các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Xuân Tùng