Tọa đàm "Phát huy vai trò người tiêu biểu có uy tín các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc'' đã diễn ra ngày 10/8, tại Gia Lai.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Tọa đàm. Cùng dự có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Dương Văn Trang; 40 đại biểu, đại diện cho gần 5 nghìn người tiêu biểu có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Tọa đàm nhằm ôn lại truyền thống đại đoàn kết các dân tộc; trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp góp phần tăng cường việc phát huy vai trò người tiêu biểu có uy tín trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Cụm thi đua các tỉnh Tây Nguyên.
Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Trong tiến trình phát triển lịch sử hàng ngàn năm, 53 dân tộc thiểu số trong đại gia đình 54 dân tộc chung sống trên đất nước Việt Nam đã đoàn kết gắn bó, chung sức, đồng lòng, sát cánh bên nhau dựng nước, giữ nước, làm nên lịch sử vẻ vang, truyền thống quý báu của dân tộc. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã xác định công tác dân tộc có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng. Để tập hợp, đoàn kết các dân tộc, ngay sau ngày độc lập, Đảng và Bác Hồ đã tổ chức 2 Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở hai miền Nam - Bắc, biểu dương truyền thống đoàn kết, động viên tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Nhắc lại nội dung bức thư Bác Hồ gửi tới Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam cách đây 70 năm, được tổ chức tại Pleiku (tỉnh Gia Lai) vào ngày 19/4/1946, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tầm quan trọng công tác đại đoàn kết trong nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có Nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc trong thời gian tới nhằm góp phần làm rõ cơ sở thực tiễn, hoàn thiện chính sách trong công tác của Mặt trận, của Đảng, Nhà nước đối với vùng đông đồng bào dân tộc.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Với chiều dài lịch sử, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Ngày nay, tuy 5 tỉnh Tây Nguyên chỉ còn 1 tỉnh đồng bào dân tộc chiếm đa số (Kon Tum với 53% đồng bào các dân tộc) nhưng đồng bào các dân tộc tại Tây Nguyên luôn luôn là nền tảng văn hóa, lịch sử quan trọng để giữ gìn, phát triển kinh tế - xã hội. Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân biểu dương gần 5 nghìn người tiêu biểu có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn.
Đặt câu hỏi: Làm thế nào phát huy khả năng đóng góp của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số? Phương thức nào để tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến các các cá nhân có uy tín tiêu biểu?, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nét đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng Tây Nguyên là trong 1,93 triệu người dân tộc ở 5 tỉnh hiện có 5.340 người tiêu biểu được công nhận (chiếm 2,7/1000). Ở những buôn, làng xa điều kiện đi lại, thông tin khó khăn, vai trò của người tiêu biểu vô cùng quan trọng. Những người tiêu biểu có uy tín, người dân tộc có lợi thế là những người được nhân dân quý trọng vì gia đình, bản thân gương mẫu, có ý thức xây dựng cộng đồng, trách nhiệm với địa phương, đất nước. Người có uy tín là người nghĩ trước, làm trước, nói trước, là tấm gương cho địa phương noi theo. Người có uy tín hiểu văn hóa dân tộc mình, gắn với địa bàn, lịch sử, hiểu tiếng nói của dân tộc và chủ trương, chính sách của Nhà nước. Giữa luật pháp và tập tục của đồng bào dân tộc cần phải gắn kết, vì vậy, không nên quy định cụ thể số lượng người có uy tín cố định mà cần căn cứ vào thực tế, chất lượng và sự gắn kết của người có uy tín tại cộng đồng để rà soát, phát hiện người có uy tín. Phát huy vai trò nòng cốt của những người có uy tín, tiêu biểu là rất cần thiết.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm triển khai tốt hơn nữa chính sách dân tộc, công tác dân tộc ở địa phương. Trong đó, mỗi địa phương cần duy trì kênh tài liệu bằng tiếng Kinh, phát tờ rơi, cuốn sách nhỏ về đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước bằng tiếng dân tộc.
5 địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên có thể nghiên cứu, soạn thảo ra những cuốn sách theo ngôn ngữ của từng đồng bào dân tộc, tuyên truyền cho hoạt động trong vùng; từ đó, những người có uy tín, già làng có trong tay tiếng dân tộc của mình sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyên truyền tới mỗi người dân. Bên cạnh đó, cần tổ chức gặp gỡ định kỳ giữa lãnh đạo địa phương với những người có uy tín, tiêu biểu; tạo điều kiện để người có uy tín tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước và các tổ chức: Mặt trận, HĐND...; quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có uy tín; thường xuyên biểu dương, khen thưởng cá nhân tiêu biểu có uy tín các dân tộc thiểu số trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc... - ông Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý các cấp, các ngành bên cạnh việc bình xét, cần coi lực lượng già làng cũng là người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, bởi các già làng có vai trò quan trọng, làm cầu nối, tạo sự ổn định trong đời sống đồng bào...
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tặng quà các cá nhân tiêu biểu có uy tín các dân tộc thiểu số Tây Nguyên dự hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý các cấp, các ngành bên cạnh việc bình xét, cần coi lực lượng già làng cũng là người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, bởi các già làng có vai trò quan trọng, làm cầu nối, tạo sự ổn định trong đời sống đồng bào...
Phúc Hằng