Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: baodaklak.vn |
Theo Nhà báo Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khu vực miền Trung và Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, xã hội, nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Tuy nhiên, các tác phẩm báo chí chất lượng cao, đạt Giải Báo chí Quốc gia còn ít, vì vậy cần thiết phải tìm giải pháp nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Hội Nhà báo tại các địa phương trong công tác hỗ trợ sáng tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên… góp phần tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong các Giải Báo chí Quốc gia.
Nhà báo Đỗ Quang Hùng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Định cho rằng, Hội Nhà báo cần phát huy vai trò trong việc thu hút hội viên vào các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp để các hội viên dần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; kịp thời cập nhật xu thế phát triển của báo chí hiện đại để tổ chức bồi dưỡng kỹ năng thích ứng cho phóng viên, như kỹ năng biên tập từ báo in sang báo điện tử và báo hình, kỹ năng truyền thông qua mạng xã hội, thực hiện phóng sự phát thanh hiện đại, kỹ năng làm chương trình talkshow phát thanh, truyền hình, kỹ năng chụp ảnh báo chí… góp phần đào tạo đội ngũ phóng viên đa năng, sáng tạo, đáp ứng được chuyên môn nghiệp vụ trong môi trường làm báo hiện đại, từ đó có những tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Nhà báo Phan Hoàng Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng cho rằng, để phát huy sức chiến đấu, sáng tạo của các nhà báo, tạo nên những tác phẩm báo chí chất lượng cao, có thể tham gia và đạt giải tại Giải Báo chí Quốc gia, cần phát huy vai trò của Hội Nhà báo tại các địa phương trong việc thu hút đội ngũ nhà báo, hội viên các cơ quan báo chí Trung ương tham gia vào hoạt động nghiệp vụ. Hội Nhà báo tại địa phương cần thường xuyên tổ chức các giải báo chí tuyên truyền, có chất lượng chuyên môn cao, từ đó thu hút đông đảo các nhà báo của cơ quan báo chí Trung ương tham gia, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, sân chơi thật sự bổ ích cho đội ngũ nhà báo. Các giải báo chí tại địa phương sẽ góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí qua các lần tổ chức.
Đồng quan điểm trên, đại diện đến từ Hội Nhà báo tỉnh Đắk Nông cho rằng, để tạo nên những tác phẩm báo chí chất lượng cao, Hội Nhà báo cần tổ chức tốt các giải báo chí tại địa phương, kịp thời có hình thức khen thưởng, động viên những nhà báo có sản phẩm chất lượng cao, điều này không chỉ khích lệ tinh thần những cá nhân đạt thành tích, mà còn tạo sức lan tỏa trong đội ngũ những người làm báo. Chất lượng chuyên môn các Giải báo chí tại địa phương nâng cao sẽ là tiền đề quan trọng để đưa các tác phẩm đạt giải dự thi Giải Báo chí Quốc gia.
Về những giải pháp để nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trẻ có thể có những tác phẩm báo chí chất lượng cao, nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Nhà báo trẻ có rất nhiều thế mạnh, có ưu thế về mặt năng lực, học tập, tiếp thu nhanh hơn, có nhiều điều kiện tiếp xúc, được đào tạo rất tốt trên môi trường Đại học, thậm chí trên Đại học báo chí. Đây là những điều kiện cần để đội ngũ nhà báo trẻ phát huy sức sáng tạo, hình thành những ý tưởng tốt và tạo nên những tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao.
“Hiện nay, việc bùng nổ thông tin trên mạng xã hội cũng tạo ra nhiều tiện ích, đây là một biển thông tin, nếu nhà báo trẻ “biết bơi” thì sẽ trở thành người thu hoạch rất tốt, còn “không biết bơi” sẽ chết đuối ngay trong biển nước đó. Nhà báo cần coi mạng xã hội là môi trường để tham khảo, tham gia và làm chủ mạng xã hội, biến mạng xã hội thành công cụ đắc lực phục vụ cho công việc chuyên môn. Bên cạnh đó, nhà báo trẻ cần học hỏi các kỹ năng về phát hiện đề tài, kỹ năng sử dụng đa phương tiện, kỹ năng xử lý thông tin một cách nhanh nhất, đặc biệt là kỹ năng tiếp cận các phương thức làm báo”, nhà báo Trần Bá Dung cho biết.
Tuấn Anh