Phát huy truyền thống, xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn

Phát huy truyền thống, xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn
Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2019), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về những thành quả của địa phương sau 65 năm dựng xây dựng, phát triển.
 * Xin ông đánh giá về giá trị của Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong tiến trình lịch sử của tỉnh Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung và đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ?
 - Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp của chế độ thực dân kiểu cũ thiết lập tại Đông Dương cũng như trên toàn thế giới; trở thành biểu tượng của sự kế thừa, phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi này đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava, giáng đòn chí mạng vào âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh trên thế giới, tạo lợi thế trên mặt trận đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam.

Với Điện Biên và Tây Bắc, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt hoàn toàn sự chiếm đóng, áp bức, bóc lột của thực dân Pháp; mang lại cuộc sống tự do cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh và khu vực Tây Bắc. Sau chiến thắng, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên) phấn khởi tập trung khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; phát động phong trào toàn dân đẩy lùi giặc dốt - xóa mù chữ; tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch và chăm sóc sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa, đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan, vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, chú trọng đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống bệnh viện, trường học, trạm y tế ... vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; tích cực đóng góp sức người, sức của cùng quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng và sự chỉ đạo Ủy ban kháng chiến hành chính, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu - nay được tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu đã đóng góp sức người, sức của, gồ gần 2.700 tấn gạo (vượt 64 tấn), gần 230 tấn thịt (vượt 43 tấn), 210 tấn rau xanh; huy động gần 17.000 dân công (tính ra ngày công bằng 568.139 ngày), gần 350 ngựa thồ; 62 thuyền, hàng trăm bè, mảng; góp hơn 25.000 cây gỗ các loại để làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua…góp phần vào chiến thắng chung của cả nước. Trong điều kiện đời sống còn khó khăn, thiếu thốn, có vùng không đủ ăn, không đủ mặc, nhưng đồng bào đã sẵn sàng “đói hơn”, vất vả hơn để nhường lương thực cho bộ đội. Qua đó cho thấy, tinh thần “cả nước cùng ra trận” như những lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Di tích Đồi A1, nơi diễn ra trận đánh khốc liệt nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Di tích Đồi A1, nơi diễn ra trận đánh khốc liệt nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

* Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục vượt khó vươn lên trong công cuộc xây dựng và phát triển. Ông cho biết những thành tựu nổi bật, khởi sắc của Điện Biên hôm nay?

 - Điện Biên từ một tỉnh miền núi kinh tế kém phát triển, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp năng suất, hiệu quả thấp. Trình độ dân trí thấp, không đồng đều. Nhiều hủ tục lạc hậu trong đời sống, tập quán lao động, sản xuất, nhất là ở vùng cao tồn tại từ lâu. Đời sống nhân dân khó khăn...

Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đó, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, tập trung quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực, cố gắng, đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm qua đã đạt kết quả khá tốt, nhịp độ tăng trưởng bình quân hằng năm và các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cơ bản đảm bảo, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XII, XIII…
 
Cung đường trên đèo Pha Đin - Tuyến đường huyết mạch trong chiến dịch Điện Biên Phủ được đầu tư sửa chữa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Cung đường trên đèo Pha Đin -  Tuyến đường huyết mạch trong chiến dịch Điện Biên Phủ được đầu tư sửa chữa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Đến hết năm 2018, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn đạt 7,15%, bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt 8,30%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh đề ra. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt hơn 27 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm gần 20%; công nghiệp - xây dựng chiếm 22,82%; dịch vụ chiếm 54,61%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 1.140 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 10.230 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư; Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp bước đầu có kết quả. Sản xuất nông nghiệp với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung năng suất, chất lượng cao. Các chương trình, dự án trọng điểm tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Đến cuối năm 2018, tỉnh có 18/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu 11 xã. Toàn tỉnh có 130/130 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó có 120/130 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được quanh năm, đạt 92,31% mục tiêu của Nghị quyết; 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện là 90%...
 
Buổi học của học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tỏa Tình. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Buổi học của học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tỏa Tình. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì và phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát triển. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển nhanh, cơ sở vật chất trường, lớp phần lớn được đầu tư, kiên cố hóa, chất lượng giáo dục, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, chất lượng phòng bệnh, khám chữa bệnh được nâng lên. Công tác an sinh xã hội và giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, nhất là các chính sách xã hội như: trợ cấp, cứu đói, cấp phát bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội...Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2016-2018 ước ước đạt 3,69%/năm (từ 48,14% cuối năm 2015 xuống 37,08% năm 2018).
 
Thành phố Điện Biên Phủ lung linh, bừng sáng về đêm giữa thung lũng Mường Thanh. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Thành phố Điện Biên Phủ lung linh, bừng sáng về đêm giữa thung lũng Mường Thanh. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quan hệ đối ngoại mở rộng. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn; chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội theo kế hoạch, cơ bản thực hiện đúng lộ trình nghị quyết đề ra; đã có 17/18 nhóm chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội đề ra cơ bản gần đạt, một số chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết. Các chỉ tiêu cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh so với các tỉnh trong vùng đều đạt ở mức khá, hướng tới đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội là "phấn đấu xây dựng Điện Biên trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2020”.

* Thưa ông, Điện Biên đã bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích chiến trường Điện Biên Phủ như thế nào để góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, cũng như giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho các thế hệ?

 - Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là di tích đặc biệt có một không hai trên thế giới; có giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với đối với dân tộc ta mà còn có giá trị, ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên xác định du lịch, nòng cốt là du lịch lịch sử là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tương lai Điện Biên sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên là một trong những nhiệm vụ quan trọng để góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh cũng như giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Vì vậy, sau khi Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ được xếp hạng di tích cấp quốc gia, trong những năm 1963-1964, địa phương đã triển khai cắm các bia ghi nhận sự kiện ở một số điểm di tích quan trọng như: Đồi A1, E1, D1, C1, C2, Him Lam. Năm 2003, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã chủ động xây dựng, báo cáo các bộ ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ” với mục tiêu “ghi nhận, vĩnh cửu hóa các di tích liên quan đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã được công nhận và xếp hạng”.
 
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm ở trung tâm thành phố. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm ở trung tâm thành phố. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Đến nay, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã đạt được kết quả tích cực, phục hồi được một phần các dấu tích cơ bản, kịp thời bảo vệ các di tích thành phần quan trọng, như bảo tồn, tôn tạo khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng; di tích Đường kéo pháo và Trận địa pháo của Bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ; di tích cứ điểm Đồi A1; khu Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; Xây dựng một số công trình tôn vinh chiến thắng: Xây dựng Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1; Tượng đài Mừng công tại Bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng; hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ khách tham quan Công trình Nhà Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giai đoạn II trưng bày và giới thiệu gần 1.000 hiện vật gốc...

Ngoài việc triển khai hệ thống văn bản, các quy định về di sản văn hóa nói chung và quản lý di tích nói riêng, tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 04/10/2016 quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Cùng với việc quan tâm đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo, quản lý di tích, tỉnh đã tập trung khai thác, phát huy giá trị của di tích như: Phục vụ du khách tham quan Bảo tàng và các điểm di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ; tổ chức các hoạt động giáo dục trực quan phù hợp, với hình thức và nội dung phong phú tại các điểm di tích; Hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa...Kết quả, du khách đến tham quan các điểm di tích năm 2018 đạt gần 380.000 lượt, tăng gấp 9,5 lần so với năm 2005. Thu nhập từ du lịch đạt mức gần 1.200 tỷ đồng, tăng hơn 23 lần so với năm 2005.

Để tiếp tục công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã xây dựng, trình xin ý kiến Ban Bí thư Trung ương Đảng và đã được Trung ương Đảng đồng ý về chủ trương cho phép triển khai Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030. Hiện nay, tỉnh đang gấp rút chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thiện nội dung Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tỉnh tiến hành triển khai thực hiện lập quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi các điểm di tích còn lại cho xứng tầm với một di tích cấp quốc gia đặc biệt, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của du khách; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên, giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
 
Một góc thành phố Điện Biên Phủ đổi mới. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN
Một góc thành phố Điện Biên Phủ đổi mới. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

* Những định hướng mang tính đột phá của tỉnh Điện Biên trong tương lai, thưa ông?

- Phấn đấu xây dựng Điện Biên thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, tỉnh đã lựa chọn 3 khâu đột phá. Thứ nhất, tỉnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị để xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2020 đáp ứng tiêu chí đô thị loại II và là trung tâm kinh tế khu vực Tây Bắc. Thứ hai, tỉnh tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm mục tiêu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của tỉnh. Thứ ba, tỉnh chọn đột phá về thể chế nhằm cụ thể hóa các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương vào điều kiện thực tế của tỉnh để hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khai thác tiền năng lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Về phát triển nông nghiệp, trong 10 - 15 năm tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực, gồm: lúa gạo, cà phê, cao su, chè, chăn nuôi gia súc, trồng rừng, khai thác và chế biến lâm sản. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thành chuỗi du lịch nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng của địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định ở mức cao. Tỉnh tiếp tục chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên - sinh thái của từng khu vực, tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái hiệu quả và bền vững.
 
Điện Biên hôm nay - điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN
Điện Biên hôm nay - điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, Điện Biên có hệ thống công nghiệp với quy mô, cơ cấu hợp lý, phát triển bền vững phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của tỉnh và có khả năng cạnh tranh cao; trong đó lấy phát triền thủy điện, chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng là khâu đột phá trong phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2020.

Về phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là các đô thị và các dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính, xuất nhập khẩu; đồng thời tỉnh nâng cao chất lượng hiệu quả các dịch vụ công; trọng điểm là các điểm tái định cư; phát triển sản phẩm dịch vụ theo hướng đa dạng hoá các loại hình phục vụ sản xuất và đời sống, mở rộng ngành nghề và giải quyết lao động tại chỗ, đưa dịch vụ thành ngành kinh tế tiếp nối và nâng đỡ sản xuất vật chất trên cơ sở tạo thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - thương mại, nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ. Điện Biên phấn đấu tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ bình quân thời kỳ 2016-2020 đạt 7,09%/năm; nâng tỷ trọng dịch vụ trong GRDP lên khoảng 55,1% vào năm 2020.

Điện Biên có đường biên giới chung với khu vực Bắc Lào và Nam Trung Quốc, là khu vực có tiềm năng lớn về thị trường xuất khẩu các hàng hóa tiêu dùng, vật liệu xây dựng, nông, lâm thủy sản và nguyên liệu khoáng. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Điện Biên mở mang các cửa khẩu và đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, thời gian tới, địa phương tận dụng lợi thế này để phát triển kinh tế cửa khẩu, coi đây là "khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh".

* Trân trọng cảm ơn ông!
Văn Dũng - Xuân Tiến (thực hiện)
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm