Phát huy thế mạnh kinh tế tập thể (Bài 2)

Phát huy thế mạnh kinh tế tập thể (Bài 2)

Để đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các chủ thể gồm: hợp tác xã, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Do vậy, "Hợp tác để phát triển" là phương châm để Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Hợp tác cùng phát triển

Nhận thức về việc hợp tác, liên kết sản xuất phải gắn với tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu quan trọng hàng đầu nên Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội đã ký kết chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã 4 thành phố lớn gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Tp. Hồ Chí Minh về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, giai đoạn 2023-2025.

Theo ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, đây là lần đầu tiên Liên minh Hợp tác xã 5 thành phố ký kết một chương trình phối hợp công tác, là hoạt động nhằm triển khai kịp thời Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND 5 thành phố và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Phát huy thế mạnh kinh tế tập thể (Bài 2) ảnh 1Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội Đỗ Huy Chiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: tuoitrethudo.com.vn

Giai đoạn 2023-2025, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội và 4 thành phố phối hợp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các văn bản của Trung ương và thành phố về kinh tế tập thể, hợp tác xã; nhân rộng mô hình tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả; trao đổi kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số đến hợp tác xã trong giai đoạn hiện nay; hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực... Các bên cùng trao đổi kinh nghiệm trong phối hợp với sở, ngành, quận, huyện, tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Liên minh Hợp tác xã 5 thành phố còn phối hợp trao đổi kinh nghiệm trong tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ và củng cố hoạt động của các hợp tác xã; triển khai lựa chọn, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, 5 thành phố sẽ tăng cường thông tin, kết nối để tổ hợp tác, hợp tác xã, đơn vị thành viên tham gia các hội chợ, triển lãm, những chương trình xúc tiến thương mại phù hợp; tạo điều kiện cho các hợp tác xã giới thiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chương trình sẽ giúp cho hợp tác xã của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố tích cực tìm kiếm thông tin thị trường, thông qua hội chợ, sàn thương mại điện tử, qua phần mềm kết nối cung - cầu của Hà Nội và tỉnh, thành phố để gặp gỡ, trao đổi; đồng thời, tìm kiếm những doanh nghiệp có truyền thống, đủ năng lực tiêu thụ khối lượng hàng hóa lớn để ký kết hợp đồng liên kết, hợp tác sản xuất.

Nhờ vậy, mô hình liên kết sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị nhận được sự đồng thuận cao của người dân, thành viên hợp tác xã, tạo thêm việc làm cho người lao động và chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp; hạn chế bỏ ruộng không sản xuất, đem lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Liên kết chặt chẽ

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.374 hợp tác xã và Quỹ Tín dụng nhân dân. Những năm qua, Hà Nội đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đang từng bước trở thành động lực phát triển kinh tế của các địa phương, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, thay thế dần quy mô kinh tế hộ; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa. Đây cũng là xu thế tất yếu, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị Thủ đô.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản còn lỏng lẻo; chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, tính pháp lý không cao, không có ràng buộc hoặc đối ứng cho nên các bên dễ vi phạm.

Phát huy thế mạnh kinh tế tập thể (Bài 2) ảnh 2Đại diện Liên minh Hợp tác xã 5 Thành phố ký kết chương trình phối hợp về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2023 – 2025. Ảnh: tuoitrethudo.com.vn

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, để đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các chủ thể gồm: hợp tác xã, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Sự liên kết này giúp các hợp tác xã xây dựng quy trình sản xuất theo hướng an toàn; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ; tổ chức nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cho cán bộ quản lý hợp tác xã, kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng... Từ đó, giúp thành viên hợp tác xã hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng, làm ra những sản phẩm theo yêu cầu với giá trị kinh tế cao hơn, thay vì sản xuất và tiêu thụ theo truyền thống "bán cái mình có" như trước.

Từ thực tế hoạt động, ông Hoàng Văn Toàn - Giám đốc Hợp tác xã Phú Lộc cho biết, để đạt được kết quả tốt, hiệu quả trong liên kết chuỗi, một trong những bài học cần lưu ý là phải có cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng tốt. Ngoài ra, việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa theo hợp đồng liên kết phải đạt mức độ đủ lớn để cung ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường với phương châm mua chung và bán chung sản phẩm.

Bên cạnh đó, các hợp tác xã cũng rất cần thông tin thị trường, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, quản lý, hệ tống văn bản, chính sách của Nhà nước... Vì vậy, Liên minh hợp tác xã thành phố Hà Nội ký kết chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã 4 thành phố lớn gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh, giúp cho các hợp tác xã của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố tích cực tìm kiếm thông tin thị trường. Thông qua hội chợ, sàn thương mại điện tử, qua phần mềm kết nối cung - cầu của Hà Nội và tỉnh, thành phố, các đơn vị được gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội ký kết hợp đồng liên kết, hợp tác sản xuất.

Theo ông Phạm Công Chính - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Đà Nẵng, để tăng cường hiệu quả chương trình phối hợp, các địa phương cần căn cứ nội dung Chương trình của cả giai đoạn 2023-2025 để lựa chọn nội dung phối hợp, trao đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong số đó, cần nghiên cứu tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm gợi mở, tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Trên cơ sở chương trình phối hợp ký kết, hằng năm, Liên minh Hợp tác xã các thành phố sẽ luân phiên tổ chức, chỉ đạo phòng, ban, trung tâm, đơn vị trực thuộc phối hợp tham mưu, triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao, thiết thực; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả chương trình phối hợp. Đặc biệt, trao đổi kinh nghiệm trong đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho hợp tác xã.(Còn tiếp-Bài cuối: Cần nguồn nhân lực chất lượng cao)

Nam Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm