Phát huy hiệu quả mô hình “Tủ thuốc biên cương”

Là một trong 8 mô hình “Tủ thuốc biên cương” do Bộ đội Biên phòng Nghệ An triển khai tại các địa bàn biên giới, trong 5 năm qua, “Tủ thuốc biên cương” của Đồn Biên phòng Phúc Sơn (xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã phát huy hiệu quả trong việc khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, chăm sóc sức khỏe... cho đồng bào 4 bản biên giới.

Đứng chân trên địa bàn duy nhất của huyện Anh Sơn có đường biên giới, ngoài việc giữ vững an ninh trật tự vùng biên, những năm qua Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã phối hợp cùng địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, tạo sinh kế, góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, diện mạo bản làng vùng biên đổi thay. Qua đó tạo được sự tin yêu của cán bộ và nhân dân địa phương; thế trận “biên giới trong lòng dân” càng được củng cố.

vna_potal_hieu_qua_mo_hinh_“tu_thuoc_bien_cuong”_tai_vung_bien_gioi_nghe_an_7483137.jpg
Thiếu tá Nguyễn Bá Lương, Bác sĩ quân y “Tủ thuốc biên cương” Đồn biên phòng Phúc Sơn (Bộ đội biên phòng Nghệ An) kiểm kê, bảo quản các loại thuốc. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người Thái 4 bản vùng biên

Dù đã quá trưa, nắng tháng 7 ở vùng biên cương gay gắt nhưng người dân ở các bản Cao Vều 1, Cao Vều 2, Cao Vều 3, Cao Vều 4 (xã Phúc Sơn) vẫn đến “Tủ thuốc biên cương” (đặt tại bản Cao Vều 2) để khám, chữa bệnh, nhận thuốc miễn phí. Thiếu tá, bác sỹ quân y Đồn Biên phòng Phúc Sơn Nguyễn Bá Lương (sinh năm 1973), phụ trách “Tủ thuốc biên cương” vẫn túc trực tại Tổ công tác và cần mẫn thăm khám cho các bệnh nhân.

Bà Vi Thị Thiết, 58 tuổi, người dân tộc Thái ở bản Cao Vều 2, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn cho biết, mỗi khi thời tiết thay đổi, bà lại đến “Tủ thuốc biên cương” của Đồn Biên phòng Phúc Sơn để đo huyết áp, đo nhịp tim, khám xương khớp ở chân và nhận thuốc miễn phí về uống, điều trị, xoa bóp. Trước đây, khi chưa có “Tủ thuốc biên cương”, mỗi lần đi khám bệnh, bà phải nhờ người thân chở bằng xe máy ra Trạm y tế xã với hành trình hơn 20km đường rừng men theo đồi núi, rất vất vả.

vna_potal_hieu_qua_mo_hinh_“tu_thuoc_bien_cuong”_tai_vung_bien_gioi_nghe_an_7483139.jpg
Từ năm 2019 đến nay, Bác sỹ quân y “Tủ thuốc biên cương” Đồn biên phòng Phúc Sơn đã tiến hành khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho khoảng 5.000 lượt người dân. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Nhiều bệnh nhân đi khám cùng bà Vi Thị Thiết cũng chia sẻ, từ khi có “Tủ thuốc biên cương”, việc thăm khám, chữa bệnh của người dân ở các bản thuận lợi hơn rất nhiều. Bác sĩ quân y Đồn biên phòng thường xuyên có mặt tại địa bàn nơi đặt tủ thuốc để kịp thời cấp cứu, khám, chữa bệnh cho người dân với thái độ rất cởi mở, nhiệt tình trong thăm khám, điều trị và ân cần dặn dò bệnh nhân. Không kể đêm, ngày, mỗi khi người dân cần thăm khám là bác sĩ quân y đều có mặt tại tổ công tác, hoặc vượt núi, băng rừng trực tiếp đến tận nhà dân.

Các bản Cao Vều 1, Cao Vều 2, Cao Vều 3 và Cao Vều 4 (xã Phúc Sơn) nằm bên thượng nguồn sông Giăng và sông Vều, thuộc vùng đệm, vành đai của rừng nguyên sinh Pù Mát. Hơn 40 năm trước, khu vực này rừng núi điệp trùng, chỉ có vài chục hộ dân tộc Thái định cư. Hiện nay, 4 bản có gần 400 hộ, hơn 1.340 nhân khẩu, trong đó đồng bào Thái chiếm hơn 84%. Năm 2002, từ kinh phí Chương trình 135, UBND huyện Anh Sơn đã xây dựng Phân trạm Y tế Cao Vều; bố trí 3 nhân viên y tế trực để khám, chữa bệnh, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe bước đầu cho người dân. Từ năm 2014, cơ sở y tế này chuyển ra gần Quốc lộ 7. Từ đó, mỗi lần ốm đau, bệnh tật, người dân phải di chuyển hơn 20km ra Trạm Y tế xã.

Thượng tá Hoàng Thanh Tùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phúc Sơn chia sẻ, hiểu được khó khăn của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, nhất là với những người già, trẻ em hay những trường hợp phải cấp cứu nguy cấp, đơn vị đã đề xuất với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An và được sự đồng tình của chính quyền địa phương, từ tháng 2/2019 mô hình “Tủ thuốc biên cương” được thành lập, đặt tại bản Cao Vều 2 với biên chế 1 đồng chí là bác sĩ quân y, phụ trách “Tủ thuốc biên cương” để khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân. Kinh phí hoạt động của “Tủ thuốc biên cương” chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng Phúc Sơn, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ huyện Anh Sơn cùng các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm.

vna_potal_hieu_qua_mo_hinh_“tu_thuoc_bien_cuong”_tai_vung_bien_gioi_nghe_an_7483145.jpg
Thiếu tá Nguyễn Bá Lương, Bác sĩ quân y “Tủ thuốc biên cương” Đồn biên phòng Phúc Sơn (Bộ đội biên phòng Nghệ An). Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Thiếu tá Nguyễn Bá Lương, phụ trách “Tủ thuốc biên cương” Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết, trong 5 năm qua, “Tủ thuốc biên cương” của đơn vị đã khám, điều trị và cấp phát thuốc miễn phí cho khoảng 5.000 lượt người dân. Mỗi ngày có từ 7 đến 20 người đến khám, điều trị, chưa kể những trường hợp cán bộ, chiến sĩ phải vượt rừng trực tiếp đến khám, điều trị cho người dân tại nhà, nơi xa nhất cách đơn vị hơn 6km. Người dân đến khám, điều trị chủ yếu về các bệnh nền huyết áp, tim mạch, xương khớp; trẻ con thì bệnh cấp tính viêm nhiễm đường hô hấp, đường ruột. Các tai nạn khi người dân đi rừng, lao động sản xuất cũng xảy ra nhiều và được bác sĩ quân y xử lý, khâu vá, băng bó kịp thời. Đối với các trường hợp cấp cứu, bác sĩ quân y sẽ liên hệ Trung tâm y tế vào cứu chữa hoặc tư vấn cho bệnh nhân để chuyển tuyến kịp thời.

Bảo vệ vững chắc vùng biên, tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo

Thượng tá Hoàng Thanh Tùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết, Đồn quản lý, bảo vệ hơn 26km đường biên giới với 7 cột mốc (từ mốc 441 đến 447), tiếp giáp với huyện Xaychamphone, tỉnh Bolikhamsai, Lào; phụ trách 1 xã biên giới Phúc Sơn có địa hình núi cao hiểm trở, có nhiều khe suối, đi lại khó khăn, mùa mưa thường xảy ra lũ lụt, sạt lở, giao thông bị chia cắt.

Trong thời gian qua, đơn vị đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, công tác biên phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; chủ trì phối hợp với các lực lượng, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm giữ gìn ổn định an ninh trật tự địa bàn. Đồng thời, duy trì thực hiện tốt công tác đối ngoại, cùng chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng khu vực biên giới đoàn kết; góp phần vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào nói chung, hai tỉnh Nghệ An và Bolikhamsai nói riêng, ngày càng phát triển.

vna_potal_hieu_qua_mo_hinh_“tu_thuoc_bien_cuong”_tai_vung_bien_gioi_nghe_an_7483132.jpg
Thiếu tá Nguyễn Bá Lương, Bác sĩ quân y "Tủ thuốc biên cương" Đồn biên phòng Phúc Sơn (Bộ đội biên phòng Nghệ An) khám, chữa bệnh cho người dân vùng biên giới. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Để góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, đơn vị phối hợp với Mặt trận Tổ quốc huyện, Hội Nông dân huyện Anh Sơn triển khai một số chương trình, mô hình thiết thực như: Chương trình “Nâng bước cho em đến trường”, “Ngân hàng lợn giống”, mô hình “Đàn gà sinh kế”... hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nghèo trên địa bàn biên giới phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng “Về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, năm 2019, Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã xây dựng mô hình dân vận khéo “Phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình” trên địa bàn. Sau gần 5 năm triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả khả quan. Nhiều hộ gia đình được đảng viên đơn vị phụ trách đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Đơn cử như gia đình chị Ngân Thị Loan (bản Vều 4), được đơn vị hỗ trợ 2 con lợn giống và 100 con gà, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, gia đình chị đã tích lũy được nguồn vốn để đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi, trồng 1ha chè, 5 sào sắn.

Hiện nay, tại 4 bản biên giới Cao Vều 1, Cao Vều 2, Cao Vều 3 và Cao Vều 4 (xã Phúc Sơn) có khoảng 30% tỷ lệ hộ kinh tế khá, tỷ lệ hộ nghèo ngày một giảm. Người dân đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, diện mạo bản làng vùng biên đổi thay tích cực.

Nhiều năm qua, người dân ở các bản làng vùng biên giới Phúc Sơn đã quen thuộc với hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng ngày ngày về với bản làng khám sức khỏe cho nhân dân; vận động, tuyên truyền đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng bản làng ấm no... Đặc biệt, vào những mùa thu hoạch nông sản (lúa, ngô, sắn, mía), cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn tham gia giúp bà con nông dân thu hoạch. Những đợt mưa bão, thiên tai, đơn vị cũng khẩn trương giúp các hộ dân khắc phục hậu quả. Qua đó càng thắt chặt tình quân dân nơi miền biên viễn, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.

Xuân Tiến - Hải An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm