Ông Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Báo Công thương |
PV: Thưa ông, môi trường kinh doanh và đổi mới khoa học công nghệ có tác động như thế nào đến năng suất lao động của doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Đình Cung: Muốn đổi mới KHCN nhằm nâng cao năng suất chất lượng thì phải đổi mới môi trường kinh doanh. Xét về môi trường kinh doanh, nếu nó thúc đẩy cạnh tranh thì dẫn tới các doanh nghiệp phải tìm kiếm những cách thức, cách làm tốt nhất để có thể vượt qua được đối thủ của mình. Theo đó, một trong những cách thức tốt nhất là phải nghiên cứu đổi mới và áp dụng KHCN. Môi trường kinh doanh Việt Nam hiện nay có nhiều cải thiện, tuy nhiên rất thiếu cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là cạnh tranh công bằng và đó chưa phải là một động lực để thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng KHCN nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động. Lý do là vì trong phân bố nguồn lực chúng ta vẫn còn cơ chế khá phổ biến là “xin - cho” và chừng nào còn những vấn đề này thì sẽ làm thui chột các doanh nghiệp muốn đổi mới và áp dụng KHCN.
PV: Vậy theo ông, để cải thiện môi trường cạnh tranh, chúng ta phải làm gì?
Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi cho rằng, chúng ta phải nâng cấp thị trường của nền kinh tế. Ở đó phải có sự cạnh tranh công bằng bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Và chỉ khi tự do kinh doanh và cạnh tranh là 2 phương thức thiết thực với nhau mới tạo ra sự lựa chọn của các nhà đầu tư và người tiêu dùng để phát triển.
Ở Việt Nam, lâu nay chúng ta mới chú ý đến cải cách thủ tục hành chính, như thế chưa đủ, phải cải cách thể chế một cách rộng lớn hơn để nâng cấp thị trường. Muốn như vậy, ngoài việc mở rộng thị trường thì năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước cũng phải được nâng lên, bảo đảm cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Nếu môi trường kinh doanh phát triển tự nó sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp để tăng sức cạnh tranh.
Để thị trường phát triển lành mạnh hơn, cạnh tranh hơn, DN nhà nước phải thay đổi, phải chịu áp lực cạnh tranh của thị trường để phát triển. Nhiều tổng kết đã chỉ ra rằng, nhiều dự án cùng kích thước kỹ thuật, cùng quy mô thì đầu tư của nhà nước thường gấp đôi hoặc cao hơn đối với khu vực tư nhân đó là vì họ chưa phải đối mặt với thị trường để phát triển.
Đối với đầu tư, nhà nước cũng phải lựa chọn dự án tốt nhất để phân bổ theo cơ chế thị trường, nghĩa là chọn dự án hiệu quả nhất để đầu tư chứ không phải chia đều vốn cho rất nhiều dự án và các doanh nghiệp cứ đi tìm kiếm các dự án đó hơn là đổi mới KHCN. Tôi muốn nhấn mạnh lại cải cách để khu vực kinh tế tư nhân phát triển lên cho thị trường mở rộng và cạnh tranh bình đẳng hơn thì trọng tâm của cải cách lại nằm ở khu vực nhà nước.
PV: Hiện đã có chương trình quốc gia về nâng cao năng suất chất lượng, sau 10 năm triển khai chỉ có hơn 1.000 DN thực hiện, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của chương trình?
Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi không phản đối những chương trình như vậy, nhưng chương trình đó phải là ưu tiên sau cải cách môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, 10 năm mới có hơn 1.000 DN, quả thực là rất ít ỏi. Tôi chưa nói đến tác động hay hiệu quả của chương trình nhưng rõ ràng ở đây một dấu hiệu nữa cho thấy, áp dụng KHCN chưa phải là nhu cầu nội sinh của DN.
Tuy nhiên, tôi đánh giá cao những nỗ lực của họ và đó là những tấm gương, thực tiễn tốt. Theo tôi, chương trình nên mở rộng sứ mệnh của nó, không chỉ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật mà nên có nghiên cứu và nhân rộng. Những điển hình này phải được công chúng biết đến nhiều hơn về tác động của KHCN để nâng cao năng suất và chất lượng của DN. Chương trình nên tìm kiếm những thuận lợi hoặc những vướng mắc được tháo bỏ kịp thời thì DN sẽ phát triển. 10 năm đủ để có những bài học đánh giá để nhân rộng cả với cấp độ doanh nghiệp cũng như cấp độ của nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!