Sau ba ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương với tinh thần “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, chiều 28/10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bế mạc.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng khóa XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 53 Ủy viên. Ban Thường vụ gồm 15 Ủy viên. Đồng chí Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng khóa XVIII được bầu tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XIX.
Đồng chí Lại Xuân Môn, sinh năm 1963, quê quán xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; trình độ chuyên môn Tiến sỹ Quản lý kinh tế. Đồng chí đã có nhiều năm công tác tại Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với các chức danh: Chánh Văn phòng, Phó Chủ tịch Thường trực, Bí thư Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội. Năm 2016, đồng chí Lại Xuân Môn là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Đảng đoàn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Ban Hội Nông dân Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Tháng 12/2017, đồng chí Lại Xuân Môn được Bộ Chính trị quyết định điều động, phân công và chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Các đồng chí: Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khóa XVIII; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XVIII, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đoàn đại biểu của Đảng bộ đi dự Đại hội XIII của Đảng gồm 18 đại biểu chính thức, 1 đại biểu đương nhiên; 1 đại biểu dự khuyết.
Phát biểu bế mạc Đại hội, đồng chí Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng khẳng định: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp. Các đại biểu đã sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, nhất trí cao thông qua Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVIII, Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; thảo luận góp ý cho Dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh...
Để Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX sớm đi vào cuộc sống, ngay sau Đại hội, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội phải tổ chức tốt nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi nội dung của Nghị quyết đến từng cán bộ, đảng viên và mỗi người dân về ý chí, quyết tâm của Đại hội; đồng thời chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và có hiệu quả trên mọi lĩnh vực.
Đại hội thông qua Nghị quyết với phương hướng, mục tiêu, giải pháp cho nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó đề ra 18 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội chủ yếu như: Tổng sản phẩm GRDP trên 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2025 đạt 60 triệu đồng/người, giá trị sản xuất đạt nông nghiệp đạt 50 triệu đồng/ha, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 10%/năm, thu ngân sách trên địa bàn tăng trưởng 12%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 11%/năm, hoàn thành giai đoạn 1 tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) trong năm 2024. Đến 2025, tỉnh có thêm 30 trường đạt chuẩn quốc gia, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm, có thêm 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%. Mỗi năm kết nạp thêm 2.000 đảng viên mới.
Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết này, Đại hội đề ra 3 nội dung đột phá và 3 chương trình trọng tâm. Theo đó, 3 nội dung đột phá gồm: Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, từng bước đưa du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến nhằm xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước. Cao Bằng phát triển kinh tế cửa khẩu nhằm khai thác và phát huy tối đa lợi thế 333 km đường biên giới với nhiều cặp cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm chung chuyển hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu và ngược lại.
Ba chương trình trọng tâm gồm: Phát triển kết cấu hạ tầng nhằm sớm khắc phục điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; Xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách đảm bảo thông thoáng, cởi mở, hấp dẫn, đột phá, khác biệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Quốc Đạt