Ông chí Lê Tiến Châu tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Duy Khương - TTXVN
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Ngày 14/10, sau 3 ngày làm việc (12 -14/10) trách nhiệm, khẩn trương, nghiêm túc, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã hoàn thành tốt đẹp các nội dung, chương trình đề ra.

Ông chí Lê Tiến Châu tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang ảnh 1Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, Đại hội đã tập trung trí tuệ, sôi nổi thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Đại hội làm sáng tỏ những nguyên nhân, ưu, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, rút ra bài học kinh nghiệm, đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu giữ vững sự đoàn kết, dân chủ, thống nhất trong Đảng bộ, bồi đắp mối quan hệ, gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, lãnh đạo toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn khâu đột phá phù hợp nguồn lực để tạo ra bước bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đại hội đã biểu quyết và thống nhất cao với Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; tán thành và biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Các văn kiện mà Đại hội vừa nhất trí thông qua được xây dựng bằng tâm huyết, trí tuệ và ý chí cách mạng tiến công của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh, là kết quả của sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng vào tình hình thực tiễn địa phương.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm 50 đồng chí; Đoàn đại biểu gồm 16 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến hành Phiên họp thứ nhất với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm đã bầu 16 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bầu Bí thư Tỉnh ủy, các Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Đồng chí Lê Tiến Châu tái đắc cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đồng chí Lê Tiến Châu, sinh năm 1969, quê tỉnh Tây Ninh, là Tiến sĩ Luật. Từ năm 1994 - 2009, đồng chí Lê Tiến Châu công tác tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Sau thời gian này, đồng chí Lê Tiến Châu lần lượt giữ chức vụ: Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam - Bộ Tư pháp; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp; Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội. Tháng 6/2016, đồng chí Lê Tiến Châu được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Ngày 16/3/2018, Ban Tổ chức Trung ương công bố và trao quyết định của Ban Bí thư điều động, phân công đồng chí Lê Tiến Châu về giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, giới thiệu để Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngày 17/4/2018, tại kỳ họp bất thường thứ tám của Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang, đồng chí Lê Tiến Châu được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngày 19/8/2020, đồng chí Lê Tiến Châu được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Lữ Văn Hùng (được điều động giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu).

Ngày 28/8/2020, Bộ Chính trị có Quyết định chuẩn y đồng chí Lê Tiến Châu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020.

Phát biểu bế mạc Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho biết, Đại hội thể hiện quyết tâm to lớn của Đảng bộ, dân và quân trong tỉnh trong những năm tới đó là: Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá.

Để thực hiện mục tiêu đó, Đại hội đã thảo luận và thông qua 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 nhiệm vụ đột phá, 18 chỉ tiêu chủ yếu và 4 nhóm giải pháp lớn, có giá trị định hướng và chỉ đạo sâu sắc toàn bộ quá trình triển khai mục tiêu phát triển của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và chất lượng đảng viên. Trọng tâm là quan tâm đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục trong công tác chính trị, tư tưởng và đạo đức; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội cũng xác định, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu...

Nghị quyết Đại hội tập trung nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát gồm: Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 15/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng”; quan tâm đúng mức công tác “hậu” kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, Nghị quyết Đại hội cho thấy, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết với nhân dân; nòng cốt là thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, với phương châm “xây dựng Đảng, chính quyền trong lòng nhân dân”.

Nghị quyết Đại hội đề ra 3 giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế đó là: Xây dựng hoàn thành và thực hiện nghiêm Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thực hiện tốt Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ; mở rộng quy hoạch phát triển công nghiệp, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, thực hiện nghiêm quy định Luật đầu tư công và các quy định về quản lý vốn đầu tư...

Tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt trên một số lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch…; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hợp tác xã có tiềm năng, triển vọng phát triển; tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tăng cường thu hút, kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp tiềm lực mạnh, các thành phần kinh tế trong, ngoài nước.

Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là sớm hoàn thành và vận hành chính quyền điện tử theo đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn, an ninh mạng; hướng tới xây dựng công dân điện tử, đô thị thông minh, chính quyền số, phát triển kinh tế số; triển khai hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo tối ưu và nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Đặc biệt, tỉnh quan tâm xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm “kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp”...

Một số chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025 được Hậu Giang đề ra trong nhiệm kỳ là: Kết nạp 2.000 - 2.500 đảng viên; tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Phạm Duy Khương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm