Nông thôn Hà Nội khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới

Diện mạo nông thôn xanh - sạch - đẹp ở huyện Thường Tín (Hà Nội).
Diện mạo nông thôn xanh - sạch - đẹp ở huyện Thường Tín (Hà Nội).

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân khu vực ngoại thành Hà Nội không ngừng được cải thiện và nâng cao. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2022 thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 65 triệu đồng/người/năm…

Nông thôn Hà Nội khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới ảnh 1Kiên cố hóa kênh mương và làm đường giao thông nội đồng ở xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức (Hà Nội).

Từ nguồn lực đầu tư của Trung ương và thành phố Hà Nội, đến nay Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, bao gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây. Các huyện Ứng Hòa, Ba Vì và Mỹ Đức đang bám sát Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tiến hành hoàn thiện các tiêu chí huyện, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Đối với công tác xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, Đan Phượng hiện là huyện đi đầu của thành phố về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đã xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập bình quân của người dân nông thôn lên mức trên 66 triệu đồng/người/năm. Trong năm 2022, huyện đăng ký thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Nông thôn Hà Nội khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới ảnh 2Trường tiểu học xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) được đầu tư xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới.

Không chỉ với huyện Đan Phượng, việc đa dạng hóa các loại hình kinh tế khu vực ngoại thành đã giúp cải thiện đáng kể thu nhập của người dân nông thôn Hà Nội. Đa số các hộ gia đình ở nông thôn giờ đã có nhà ở kiên cố, khang trang. Cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, giúp cho diện mạo nông thôn Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,8%. Có 100% xã có điểm phục vụ bưu chính và có người phục vụ, 75,15% hộ gia đình có sử dụng ít nhất 01 điện thoại thông minh, 98% các thôn phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng… Năm 2021, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 54,07 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn Hà Nội giảm còn 0,29%. Đáng chú ý, có 3 huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn mới là Đan Phượng, Gia Lâm và Hoài Đức.

Nông thôn Hà Nội khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới ảnh 3Diện mạo nông thôn xanh - sạch - đẹp ở huyện Thường Tín (Hà Nội).

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, thành phố xác định nâng cao đời sống người dân nông thôn là mục tiêu cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, tại các cuộc giao ban Chương trình số 04-CTr/TU, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội luôn nhấn mạnh yêu cầu về việc cần tiếp tục đa dạng hóa các giải pháp giảm nghèo nông thôn. Hà Nội trong thời gian tới sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, đảm bảo người dân nông thôn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giảm nghèo theo hướng đa chiều; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, chú trọng dạy nghề cho thanh niên nông thôn, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách, gắn với tạo công ăn việc làm sau đào tạo nghề; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết chuỗi; Thúc đẩy đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh và phát triển hệ thống dịch vụ nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp…

Thực hiện: Thúy Quỳnh

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm