Nông dân Bình Định phát huy hiệu quả nguồn vốn vay trồng rừng

Nông dân Bình Định phát huy hiệu quả nguồn vốn vay trồng rừng
Nông dân huyện Vân Canh khai thác rừng keo lai. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN
Nông dân huyện Vân Canh khai thác rừng keo lai. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN

Gia đình chị Lê Thị Bình - hộ đồng bào người Bana tại làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh (Bình Định) là điển hình tiêu biểu sử dụng vốn vay hiệu quả trong phát triển kinh tế. Từ 10 năm trước, với 20 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Vân Canh, chị Bình cùng gia đình chắt chiu trồng rừng keo lai. Sau 5 năm khai thác keo rồi bán, chị đã trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục vay thêm vốn để phát triển diện tích rừng. Giờ gia đình chị Bình đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập bình quân hàng năm hơn trăm triệu đồng, kinh tế ổn định. Gia đình đang sửa sang nhà cũ và xây dựng thêm một căn nhà mới.

Trên địa bàn huyện Vân Canh, cảnh khai thác gỗ rừng trồng diễn ra tấp nập nhờ giá gỗ keo lai đang tăng mạnh. Với giá 1,35 triệu đồng/tấn gỗ keo như hiện nay, đối với rừng keo 5 năm tuổi thì người trồng có thể thu lãi khoảng 70 – 80 triệu đồng/ha khiến nhiều hộ phấn khởi, quyết định đầu tư mở rộng diện tích.
 
Nông dân huyện Vân Canh khai thác rừng keo lai. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN
Nông dân huyện Vân Canh khai thác rừng keo lai. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN

Chị Đinh Thị Dương người dân tộc Bana cũng ở xã Canh Thuận vay vốn để trồng 3 ha keo lai từ khởi điểm và nay đã phát triển dần để trở thành một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế của địa phương.

Theo chị Dương, năm nay khai thác được 1 ha keo lai. Ngoài chi phí tiền công, xe hết 20 triệu đồng, chị trả được cho ngân hàng 50 triệu đồng và còn lãi 30 triệu đồng mà vẫn chưa tính diện tích rừng còn lại chưa khai thác.

Thấy dòng vốn được khai thác hiệu quả, từ đầu năm 2019, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã nâng mức cho vay trồng rừng kinh tế lên 100 triệu đồng mỗi hộ khiến người dân vui mừng.

Ông Nguyễn Văn Vinh - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Vân Canh nhận xét, đồng bào ở đây vay vốn chủ yếu sử dụng để phát triển kinh tế và làm giàu từ cây keo lai. Những năm trước, ngân hàng chỉ cho vay tối đa 50 triệu đồng với thời hạn 5 năm. Nhưng từ đầu năm 2019, chủ trương của hội đồng quản trị nâng mức cho vay lên 100 triệu đồng và thời gian cho vay phù hợp với sinh trưởng và thu hoạch của cây keo là 7 năm.

Một lần nữa, chị Bình lại là người sớm đăng ký vay theo hạn mức mới 100 triệu đồng để đầu tư trồng 5 ha keo bởi cây trồng này hiệu quả cao hơn so với các loại hình trồng trọt và chăn nuôi khác. Giá keo năm nay cao nên người trồng còn có lãi hơn so với năm trước.

Cùng nhiều địa phương khác trong tỉnh Bình Định, cây keo lai đã đứng chân trên địa bàn huyện Vân Canh, giúp người nông dân tại đây từng bước thoát nghèo dưới sự đồng hành hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đời sống của đồng bào Bana, Chăm tại đây đã được cải thiện rõ nét, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Huyện Vân Canh có hơn 10.000 ha rừng trồng kinh tế; trong đó, hầu hết là keo lai. Số diện tích rừng vay vốn trên địa bàn huyện chiếm khoảng 7.000 ha. Tổng dư nợ hiện nay của ngân hàng hơn 230 tỷ đồng với khoảng 1.300 hộ vay, tăng gần gấp đôi so với cách đây 5 năm. Nhờ sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay để trồng rừng nên nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, ổn định kinh tế.
Phạm Kha
TTXVN

Có thể bạn quan tâm