Hiện, tại vị trí Km11+300, để vừa đảm bảo giao thông vừa đảm bảo thực hiện công tác thi công khắc phục sạt lở, Công ty cổ phần đường bộ 226 đã có phương án ngăn đường, thời gian ngăn đường (tối đa mỗi lần 30 phút) và số lần ngăn đường tùy thuộc vào điều kiện thực tế (thời tiết, điều kiện thi công).
Ông Trần Quang Huy, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đường bộ 226 cho biết: Sau khi thực hiện phương án bạt cơ, giảm tải sẽ giảm thiểu nguy cơ sạt lở mái ta luy dương tại điểm này, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Dự kiến đến ngày 5/11 lực lượng chức năng sẽ hoàn tất việc khắc phục sạt lở tại địa điểm trên.
Tuyến Quốc lộ 279 từ Km0- Km116 thuộc địa bàn tỉnh Điện Biên có đặc trưng đường miền núi, địa hình chia cắt, núi cao, vực sâu, nhiều đèo dốc quanh co liên tục, dốc dọc lớn, nhiều đường cong bán kính nhỏ; một số phân đoạn đi ven suối thường xuyên bị sạt lở ta luy trong mùa mưa lũ. Đặc biệt, đoạn tuyến thuộc địa phận đi qua đèo Tây Trang đến Cửa khẩu quốc tế Tây Trang có nhiều vị trí phát sinh "ổ gà", nền đường có khả năng bị sình lún dẫn đến ách tắc giao thông trong mùa mưa. Tuyến Quốc lộ 279 đi qua địa bàn các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, thành phố Điện Biên Phủ có 3 đèo Tà Cơn (Km3 – Km6), đèo Tằng Quái (Km37-Km46), đèo Tây Trang (Km97-Km116) và dốc Nà Lơi (Km62- Km68+400) là những đoạn địa hình hiểm trở, thường xuyên bị sạt lở gây ắch tắc giao thông trong mùa mưa bão.
Ông Trần Quang Huy, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đường bộ 226 cho biết thêm: Ngay từ đầu năm 2017, qua kiểm tra mạng lưới giao thông nối các tuyến quốc lộ trọng yếu (Quốc lộ 6, Quốc lộ 279) trên địa bàn, các cơ quan chức năng cũng đã thống nhất phương án tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông khi xảy ra sự cố sạt lở, tắc đường.