Áp lực giữ rừng
Vườn Quốc gia Yok Đôn có tính đa dạng cao, với trên 858 loài thực vật, 89 loài thú, 305 loài chim, trong đó nhiều loại động vật, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm như, các loài cây gỗ quý, thuốc quý. Lâm phần của Vườn Quốc gia Yok Đôn nằm trên địa giới hành chính thuộc 7 xã nằm trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Do đó, tình trạng các đối tượng vào rừng săn bắt động vật, khai thác gỗ trái phép, khai thác lâm sản ngoài gỗ vẫn diễn ra. Đặc biệt, khi bị phát hiện, các đối tượng sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng để chạy thoát. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Vườn Quốc gia Yok Đôn có tính đa dạng cao, với trên 858 loài thực vật, 89 loài thú, 305 loài chim, trong đó nhiều loại động vật, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm như, các loài cây gỗ quý, thuốc quý. Lâm phần của Vườn Quốc gia Yok Đôn nằm trên địa giới hành chính thuộc 7 xã nằm trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Do đó, tình trạng các đối tượng vào rừng săn bắt động vật, khai thác gỗ trái phép, khai thác lâm sản ngoài gỗ vẫn diễn ra. Đặc biệt, khi bị phát hiện, các đối tượng sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng để chạy thoát. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Hiện trường vụ phá rừng và hành hung các bộ quản lý, bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn xảy ra ngày 18/12/2019. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Ông Ninh Văn Vinh, Phó Trạm trưởng Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 11 (Vườn Quốc gia Yok Đôn) cho biết: Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 11 có 7 cán bộ kiểm lâm được giao quản lý, bảo vệ 50.000 ha rừng. Do diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ khá lớn, đơn vị phải chia mỏng lực lượng thực nhiệm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát để đảm bảo sự có mặt thường xuyên của lực lượng chức năng trên diện tích rừng được giao quản lý. Cũng vì lực lượng mỏng, khi nhóm tuần tra phát hiện đối tượng xâm hại đến tài nguyên rừng cũng rất khó trong việc khống chế, bắt giữ vì vấp phải sự chống trả quyết liệt của "lâm tặc".
Vụ việc nhóm "lâm tặc" chém bị thương cán bộ kiểm lâm xảy ra ngày 18/12/2019 là ví dụ điển hình. Cụ thể, khi anh Y Thông Chỉ Byă (sinh năm 1995) và anh Y Rin Kuăn (sinh năm 1983) đi tuần tra, bảo vệ rừng phát hiện một nhóm khoảng 10 đối tượng đang cắt gỗ. Anh Y Thông Chỉ Byă lao vào khống chế một đối tượng trực tiếp dùng cưa máy cắt cây gỗ. Thấy đồng bọn bị khống chế, các đối tượng chạy tới bao vây. Một đối tượng dùng dao chém vào người anh Y Thông Chỉ Byă để giải cứu đồng bọn khiến anh Y Thông Chỉ Byă bị đứt hai gân duỗi ngón tay của bàn tay trái.
Vụ việc trên cho thấy sự manh động, hung hăng của các nhóm phá rừng. Điều này tạo ra áp lực không nhỏ cho lực lượng quản lý rừng khi bảo vệ diện tích rừng khá rộng nhưng quân số lại quá ít dẫn đến bất lợi khi chạm chán với các đối tượng phá rừng.
Ông Đinh Xuân Kiên, Trạm trưởng Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Đắk Ruê (Vườn quốc gia Yok Đôn) chia sẻ: Ngoài việc đối mặt với sự hung hăng của các nhóm đối tượng "lâm tặc", lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng còn gặp không ít khó khăn khi người dân di cư tự do vào sinh sống sát bìa rừng của Vườn Quốc gia Yok Đôn. Đặc biệt trong mùa khô Tây Nguyên, việc trồng trọt của người dân không thuận lợi dẫn đến nhiều đối tượng xâm nhập vào Vườn Quốc gia để khai thác lâm sản, săn bắt động vật, tạo ra khó khăn cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, lợi dụng dịp lễ, Tết, nhiều đối tượng xâm nhập vào rừng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, dịp lễ, Tết, cán bộ quản lý, bảo vệ rừng phải thường trực đủ quân số, tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.
Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc Phụ trách Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết: Vườn Quốc gia Yok Đôn có diện tích khá rộng nằm trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông nhưng do lực lượng quản lý, bảo vệ rừng còn mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát. Đặc biệt, các khu vực xung quanh Vườn Quốc gia Yok Đôn đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người dân bắt đầu canh tác, dựng chòi sinh sống ngay sát bìa rừng. Điều này đặt Vườn Quốc gia Yok Đôn vào vị trí dễ bị xâm nhập và nguy cơ cao bị khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng.
Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Yok Đôn
Phó Giám đốc Phụ trách Vườn Quốc gia Yok Đôn Phạm Tuấn Linh chia sẻ: Vườn Quốc gia Yok Đôn là hệ sinh thái rừng khộp duy nhất tại Việt Nam, hệ thống đa dạng sinh học của vườn có giá trị lớn đối với hệ sinh thái, khoa học, du lịch… Do đó, lực lượng cán bộ, kiểm lâm luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ rừng lên hàng đầu, kiên quyết đấu tranh với các hành vi xâm phạm, hủy hoại tài nguyên rừng. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các đối tượng bất chấp sự trừng phạt của pháp luật để xâm hại tài nguyên rừng, đặt ra thách thức cho lực lượng chức năng.
Theo ông Phạm Tuấn Linh, để hạn chế tình trạng khai thác lâm sản, săn bắt động vật nhằm duy trì đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Yok Đôn cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ các cấp, ngành liên quan. Với Vườn Quốc gia Yok Đôn thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến người dân địa phương, học sinh các xã vùng đệm về Luật Lâm nghiệp, các Nghị định, Thông tư về bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Từ đó giúp nhân dân, học sinh nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức được việc tác động của hệ sinh thái rừng đối với đời sống của con người.
Vườn thực hiện việc giao khoán bảo vệ 17.500 ha rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững cho 2.402 hộ dân và 138 nhóm hộ, với tổng số tiền trong năm 2019 là 6,97 tỷ đồng. Chính sách này góp phần nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng và hạn chế tình trạng phá rừng, săn bắt động vật của người dân sinh sống trong vùng đệm Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Theo ông Phạm Tuấn Linh, để hạn chế tối đa tình trạng người dân xâm hại đến tài nguyên rừng cần giải quyết “bài toán” kinh tế cho người dân sống trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Yok Đôn. Đời sống kinh tế của nhân dân ổn định, nguồn sinh kế đảm bảo lâu dài chắc chắn sẽ hạn chế được việc người dân bất chấp vi phạm pháp luật để vào rừng khai thác tài nguyên, từ đó giảm áp lực giữ rừng cho lực lượng chức năng. Để đảm bảo sinh kế cho người dân, các cấp, ngành và chính quyền địa phương cần vào cuộc trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ vốn vay, phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định người dân.
Năm 2019, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Yok Đôn đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 176 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, giảm 133 vụ so với năm 2018. Lực lượng chức năng tịch thu 59,604 m3 gỗ các loại và 152 phương tiện các loại./.
Tuấn Anh
TTXVN