Người dân thôn Tầm Ngân 2 thu hoạch ớt. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Kiểm tra những gùi ớt chín đỏ vừa được hái tại ruộng, bà Nguyễn Thị Bé (thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn) phấn khởi cho biết, gia đình trồng trên 5 sào ớt, sau hơn 3 tháng chăm sóc, đến nay vườn ớt bắt đầu cho thu hoạch. Giống ớt Hàn Quốc cho trái to, khoảng 30 quả/kg, năng suất bình quân đạt trên 2 tấn/1 sào ớt. Sản phẩm sau khi thu hoạch được Hợp tác xã dịch vụ Tầm Ngân thu mua với giá 11.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí dự kiến vụ ớt năm nay gia đình có lãi trên 70 triệu đồng.
Tương tự, ông Soh Ao Ha Thủy (thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn), thành viên hợp tác xã dịch vụ Tầm Ngân chia sẻ, trước đây, nhà trồng ngô lúc được lúc không, nhiều lúc giáp hạt phải vay tiền để trang trải khi có thu hoạch thì nhà cũng hết ngô để bán. Từ khi có dự án trồng ớt Hàn Quốc do hợp tác xã triển khai hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng, phân bón và bao tiêu sản phẩm với giá bình quân 11.000 đồng/kg, thì 2,5 sào ớt cho thu nhập khoảng 35 triệu đồng/vụ, đời sống gia đình đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.
Ông Dà Droách Ha Khiết, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Tầm Ngân cho biết, Tập đoàn CJ cung cấp các giống ớt Hàn Quốc cho 34 xã viên hợp tác xã trồng trên diện tích 12 ha. Niên vụ ớt đầu năm 2019, sản lượng ớt người dân sản xuất đạt bình quân trên 2 tấn/sào, hợp tác xã đang thu mua với giá 11.000 đồng/kg ớt theo hợp đồng canh tác đã ký kết để các xã viên yên tâm sản xuất. Sau khi thu hoạch, sản phẩm được đưa tới xưởng sơ chế ớt với khả năng gia công tối đa 500 tấn ớt bột mỗi năm phục vụ cho sản xuất của tập đoàn CJ tại Việt Nam và xuất khẩu.
Giống ớt Hàn Quốc sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN |
Dự án trồng ớt là một trong những hoạt động chính của dự án “Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển chuỗi giá trị ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận" do tập đoàn CJ kết hợp cùng Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), UBND tỉnh Ninh Thuận triển khai từ năm 2014, với tổng kinh phí thực hiện trên 1,8 triệu USD.
Tập đoàn CJ hỗ trợ nông dân tại thôn Tầm Ngân 2 bằng việc gửi các chuyên gia từ bên Hàn Quốc qua để hướng dẫn cách thức, kỹ thuật canh tác và gieo trồng giống ớt Hàn Quốc, cung cấp ớt giống và cải tạo lại hệ thống dẫn tưới. Nhờ đó, nông dân có thể thu hoạch được giống ớt Hàn Quốc theo đúng tiêu chuẩn và tập đoàn CJ sẽ bao thu toàn bộ sản phẩm thu hoạch.
Từ khởi đầu dự án có 2 hộ tham gia trồng khảo nghiệm ớt trên diện tích 0,6 ha, đến nay, diện tích được mở rộng lên 12 ha với 34 hộ tham gia trồng ớt. Để hỗ trợ sản xuất, hợp tác xã thành lập ngân hàng nông cụ, mua sắm các loại máy cày, máy xới cho thuê để lập quỹ hoạt động độc lập; tổ chức kinh doanh vật tư nông nghiệp, cho xã viên vay vốn khuyến nông với lãi suất thấp để đầu tư mở rộng sản xuất; sau khi bán sản phẩm sẽ thanh toán các khoản vay cho hợp tác xã. Ngoài ra, hợp tác xã thành lập ngân hàng gia súc, hỗ trợ người dân chăn nuôi theo phương thức xoay vòng.
Người trồng ớt yên tâm vì đầu ra có HTX dịch vụ Tầm Ngân (xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn) đứng ra thu mua. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Chương trình xây dựng dự án dựa trên cơ sở kinh nghiệm thành công của phong trào Làng mới “Saemaul” tại Hàn Quốc nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân, nâng cao thu nhập bằng mô hình phát triển kinh tế gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp.
Cùng với phát triển kinh kế, dự án còn đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch, xây nhà cộng đồng thôn, trường mẫu giáo, xây nhà vệ sinh, dạy tiếng Hàn Quốc, tiếng Việt. Đồng thời, phía dự án mở các lớp giáo dục nông nghiệp hướng dẫn cách nuôi lợn, dê, ủ phân, trồng bắp, tổ chức dọn vệ sinh, chiếu phim, giao lưu văn hóa, ông Dà Droách Ha Khiết thông tin thêm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, dự án trồng ớt là một trong những hoạt động quan trọng của dự án Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển chuỗi giá trị ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận do KOICA – CJ tài trợ.
Để phát huy hiệu quả dự án, UBND tỉnh giao huyện Ninh Sơn xây dựng Đề án nhân rộng mô hình phát triển chuỗi giá trị sản phẩm ớt giai đoạn 2018 – 2020 để thu hút các hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất ớt với Hợp tác xã tại các địa phương trên địa bàn huyện để phát triển vùng nguyên liệu ớt ổn định phục vụ nhu cầu sản xuất của xưởng chế biến ớt. Đồng thời, địa phương có các giải pháp sử dụng hiệu quả diện tích trồng ớt sau khi thu hoạch để nâng cao thu nhập cho người dân.
Thời gian qua, nhờ công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được thực hiện một cách sâu rộng đến thôn, hộ gia đình với nhiều hình thức đa dạng nên qua hơn bốn năm thực hiện, dự án đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân vùng cao trong việc thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các chương trình giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, lối sống của người dân vùng cao huyện Ninh Sơn có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống kinh tế từng bước được nâng cao.
Nguyễn Thành