Ninh Thuận huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững

Xác định vai trò quan trọng của công tác giảm nghèo trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực, đổi mới phương thức, cách thức thực hiện công tác giảm nghèo; phấn đấu đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 1,5 - 2%, riêng huyện miền núi Bác Ái giảm ít nhất 4%.

vna_potal_ninh_thuan_huy_dong_nguon_luc_thuc_hien_muc_tieu_giam_ngheo_nhanh_va_ben_vung_7326572.jpg
Vùng đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước) ngày càng khang trang, đổi mới. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Năm 2024, Ninh Thuận giao nguồn vốn trên 776 tỷ đồng từ ba chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình, tỉnh đã lồng ghép từ nhiều nguồn vốn khác để thực hiện, nâng tổng vốn thực hiện trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024 lên trên 4.574 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng, địa phương tăng cường huy động tối đa nguồn lực từ các cấp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững để hạn chế các hộ tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Từ các nguồn vốn được phân bổ, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, địa phương tập trung giải ngân, triển khai đầy đủ, kịp thời các dự án, tiểu dự án thành phần các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, trọng tâm hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường để phát triển sản xuất, kinh doanh.

vna_potal_ninh_thuan_huy_dong_nguon_luc_thuc_hien_muc_tieu_giam_ngheo_nhanh_va_ben_vung_7326577.jpg
Người dân xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) phát triển mô hình nuôi bò vỗ béo. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Chỉ đạo các cấp tích cực tuyên truyền về các chính sách, chương trình giảm nghèo, gương điển hình làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo và tổ chức, đoàn thể, cá nhân thực hiện tốt công tác giảm nghèo để học tập, nhân rộng. Các đơn vị tổ chức phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao chất lượng vận động “Ngày vì người nghèo”...

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tổ chức diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói của người nghèo” để nắm bắt ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và giải đáp các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Địa phương tạo điều kiện cho các hộ nghèo được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn, phát triển kinh tế; tạo kết nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp và hộ nghèo để nhận đỡ đầu, động viên, giúp đỡ người dân vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững.

vna_potal_ninh_thuan_huy_dong_nguon_luc_thuc_hien_muc_tieu_giam_ngheo_nhanh_va_ben_vung_7326560.jpg
Nông dân xã Tân Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) thu hoạch lúa Đông Xuân 2023 – 2024. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ninh Thuận hiện có 7 huyện, thành phố với 65 xã, phường; trong đó có 16 xã đặc biệt khó khăn (bao gồm 15 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 1 xã bãi ngang Phước Dinh). Dân số toàn tỉnh khoảng 593,6 ngàn người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 23%, chủ yếu là người Chăm, Raglai.

vna_potal_ninh_thuan_huy_dong_nguon_luc_thuc_hien_muc_tieu_giam_ngheo_nhanh_va_ben_vung_7326583.jpg
Xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) ngày càng khởi sắc nhờ được đầu tư nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Thời gian qua, nhờ sự nỗ lực huy động nguồn lực hiệu quả, công tác giảm nghèo tại địa phương đã đạt được những kết quả tích cực. Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 1,72% so năm 2022. Toàn tỉnh còn 7.874 hộ nghèo, 8.620 hộ cận nghèo (tương ứng 4,21% và 4,61% so số hộ toàn tỉnh). Tại huyện Bác Ái, số hộ nghèo còn 2.328 hộ, giảm 6,35% so với năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số, miền núi đạt 32,4 triệu đồng/năm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm