Ninh Thuận: Bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển

Rùa con thả về biển thuộc khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: TTXVN phát
Rùa con thả về biển thuộc khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: TTXVN phát

Từ đầu năm đến nay, Vườn Quốc gia Núi Chúa (Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận) đã cứu hộ thành công và thả 1.668 rùa con về biển an toàn. Các cá thể rùa biển này thuộc danh sách loài nguy cấp, quý hiếm đang được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt.

Ninh Thuận: Bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển ảnh 1Rùa con được thả về vùng biển Vườn quốc gia Núi Chúa (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: TTXVN phát

Ông Phạm Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Bảo tồn tài nguyên rừng và biển, Vườn Quốc gia Núi Chúa thông tin, từ đầu năm đến nay, đã có 64 lượt rùa lên bãi biển bói tổ, đào 24 ổ, đẻ được 2.090 trứng, có 22 ổ trứng đã nở với 1.742 trứng. Các thành viên của Tổ bảo vệ rùa biển cứu hộ thành công và thả 1.668 cá thể rùa con về biển. Các cá thể rùa biển này thuộc loài Rùa xanh, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ thế giới (IUCN). Năm nay do mưa sớm, độ ẩm các bãi biển thích hợp nên số lượng rùa đẻ trứng nhiều nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Vườn Quốc gia Núi Chúa hiện là khu vực hiếm hoi còn lại trên đất liền ở Việt Nam ghi nhận có quần thể rùa biển quý hiếm lên bờ đẻ trứng hằng năm, thường từ tháng 4 đến tháng 11. Ông Phạm Anh Dũng thông tin thêm, rùa mẹ mỗi lần đẻ từ 80 đến hơn 120 trứng. Các thành viên của Tổ bảo vệ rùa biển thường xuyên tổ chức tuần tra theo dõi, ghi nhận các thông tin về rùa biển lên bãi đẻ trứng, di dời các tổ trứng có nguy cơ ngập nước do thủy triều, bảo vệ trứng và rùa con, không cho các loài thiên địch phá hoại, đồng thời canh giữ, không để con người săn trộm. Thời gian trứng nở thành rùa con ghi nhận tại Vườn từ 47 đến trên 52 ngày và phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Nếu nhiệt độ cao, trứng sẽ nở nhanh hơn, số lượng rùa cái sẽ nhiều hơn và ngược lại. Rùa con chui ra khỏi vỏ trứng và dùng hai chân trước bới cát bò lên khỏi mặt đất, lấy hết sức lao nhanh ra biển. Những cá thể rùa con sức yếu không ngoi lên được lớp cát, các thành viên sẽ hỗ trợ cứu hộ thả về biển an toàn.

Để bảo tồn rùa biển, từ năm 2000, với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức trong, ngoài nước như Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, Quỹ Môi trường toàn cầu, Viện Hải dương học, Vườn quốc gia Núi Chúa đã phối hợp triển khai các dự án bảo tồn, nghiên cứu về các loài rùa trong khu vực biển, tình trạng rùa lên bãi đẻ để xây dựng kế hoạch bảo vệ bãi đẻ và cứu hộ rùa biển.

Ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, đơn vị đang triển khai đồng bộ nhiều phương án, giải pháp để bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng cùng các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm khác. Cụ thể, Vườn xây dựng và duy trì các vùng bảo vệ nghiêm ngặt rùa biển tại các bãi đẻ trong khu vực; xây dựng trạm bảo tồn rùa, thành lập các tổ tình nguyện viên là người địa phương cùng hàng trăm tình nguyện viên đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng tham gia bảo vệ rùa biển. Đơn vị tăng cường phối hợp với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo tồn, cứu hộ và cứu chữa rùa biển cho cán bộ, tình nguyện viên.

Ban Quản lý cũng đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân địa phương khi gặp rùa lên bãi đẻ hoặc đi biển thấy rùa bị nạn thì báo ngay cho lực lượng cứu hộ; xây dựng mạng lưới các vùng biển trên đất liền tại Việt Nam để tiếp nhận các cá thể rùa còn sống, đưa tới Khu Bảo tồn sinh vật biển của Vườn Quốc gia Núi Chúa cứu hộ, chữa trị, nuôi huấn luyện, đảm bảo đủ điều kiện để rùa tự sinh sống được trước khi tái thả ra môi trường tự nhiên.

Theo Quyết định 1176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Vườn Quốc gia Núi Chúa là một trong những khu vực ưu tiên bảo vệ, phục hồi sinh cảnh, bãi đẻ cho các loài rùa biển. UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với Vườn Quốc gia Núi Chúa tăng cường bảo vệ loài rùa biển; kiểm tra, giám sát chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, tiêu thụ rùa biển, trứng và các bộ phận của rùa biển; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quản lý, bảo vệ, bảo tồn rùa biển.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm