Niềm vui nhân đôi của bà con làng Đê Kôn

Niềm vui nhân đôi của bà con làng Đê Kôn

Chiều 26/4, hòa chung không khí cả nước rộn ràng chào mừng kỷ niệm 48 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), bà con dân làng Đê Kôn (xã H'ra, huyện Mang Yang, Gia Lai) vui mừng tổ chức khánh thành con đường độc đạo vào làng và nhận bàn giao gần 400 ha rừng từ chính quyền địa phương.

Niềm vui nhân đôi của bà con làng Đê Kôn ảnh 1Lãnh đạo huyện Mang Yang (Gia Lai) phát biểu tại Lễ khánh thành đường vào làng Đê Kôn, xã H'ra. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang Lê Trọng cho biết, tuyến đường vào làng Đê Kôn được cứng hóa hoàn toàn đã mang lại những nét tươi mới, là điểm tựa để làng Đê Kôn chuyển mình phát triển. Từ nay, bà con Đê Kôn sẽ không còn chứng kiến hình ảnh thầy cô giáo “ngược đèo cõng chữ về làng Đê Kôn”, hay những học sinh lặn lội xuống núi đi học. Dân làng không còn phải đối mặt với việc bị tư thương ép giá các sản phẩm nông nghiệp được xem là chủ lực của địa phương như: bời lời, gừng, cà phê...

Dự án đường vào làng Đê Kôn được đầu tư với tổng chiều dài 6,6 km nối từ Quốc lộ 19 đến làng Đê Kôn, rộng từ 3,5 - 5,5m, tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Nhờ có con đường mới, bà con đi lại an toàn, hàng hóa được thông thương, mở rộng, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Niềm vui nhân đôi của bà con làng Đê Kôn ảnh 2 Bà con dân làng Đê Kôn vui mừng khi có con đường mới. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Anh Hril (thôn trưởng làng Đê Kôn) kể lại, trước đây, gần 250 nhân khẩu là người dân tộc Bahnar dường như sống cô lập, con cái xuống núi đi học rất khó khăn. Đường lên làng Đê Kôn vào mùa nắng chỉ xe có bánh quấn xích mới di chuyển được vì dốc đá ngổn ngang. Mùa mưa, dân làng bị cô lập, học sinh phải nghỉ học nhiều ngày, người dân bị ép giá nông sản do không có đường vận chuyển... Từ phản ánh của báo chí và đề nghị của chính quyền cơ sở, con đường lên làng Đê Kôn bắt đầu có chủ trương xây dựng từ năm 2020 và được triển khai nhanh chóng. Hôm nay, bà con nơi đây vui mừng khi có con đường mới. Từ nay, dân làng Đê Kôn sẽ có cơ hội phát triển kinh tế, thoát nghèo, góp phần cho sự phát triển chung của địa phương.

Đây là con đường được thực hiện sau khi phóng viên TTXVN liên tục có các bài phản ánh về sự khó khăn, vất vả của người dân làng Đê Kôn khi phải sống cô lập dù chỉ cách trung tâm xã 7 km. Điển hình như bài "Ngược đèo cõng chữ về làng Đê Kôn" hoặc "Ngôi làng bị cô lập dù chỉ cách trung tâm xã 7 km". Sau khi nhận được phản ánh của phóng viên TTXVN, tỉnh Gia Lai đã có những đợt kiểm tra, khảo sát và thực hiện tuyến đường này.

Niềm vui nhân đôi của bà con làng Đê Kôn ảnh 3 Bà con dân làng Đê Kôn vui mừng tại lễ khánh thành con đường Đê Kôn. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Dịp này, huyện Mang Yang đã tiến hành trao Quyết định giao 393,66 ha rừng cho bà con làng Đê Kôn. Theo ông Trần Đình Hiệp, Bí thư huyện ủy Mang Yang, việc giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp quan trọng để người dân ổn định đời sống và thoát nghèo bền vững. Khi rừng được giao cho bà con quản lý, công tác bảo vệ rừng được người dân quan tâm hơn, rừng được phát triển tốt hơn. Việc này mang lại nhiều lợi ích, một mặt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đồng bào trong bảo vệ, phát triển rừng, giúp bà con có sinh kế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; mặt khác, sẽ lấp được những khoảng trống trong quản lý, bảo vệ rừng do lực lượng chuyên trách quá mỏng như hiện nay.

Niềm vui nhân đôi của bà con làng Đê Kôn ảnh 4Lãnh đạo huyện Mang Yang (Gia Lai) trao Quyết định bàn giao rừng cho cộng đồng làng Đê Kôn, xã H'ra. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ngoài ra, khi bàn giao đất, giao rừng, chính quyền huyện Mang Yang đã giải thích để bà con làng Đê Kôn hiểu rõ việc thực hiện giao rừng (không thực hiện cho thuê rừng) gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng bền vững; kết hợp sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng theo quy định hiện hành nhằm phát huy thế mạnh của rừng, bảo vệ và phát triển được vốn rừng; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân sống trong rừng và gần rừng trên địa bàn. Theo đó, bà con không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng, cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm