Những suất cơm nghĩa tình trên biên giới xứ Lạng

Những suất cơm nghĩa tình trên biên giới xứ Lạng

Theo sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, từ cuối tháng 5/2021 đến giữa tháng 7/2021, tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận hơn 8.000 người dân từ các vùng dịch trở về địa phương và thực hiện cách ly bắt buộc đối với những trường hợp chưa đủ thời gian cách ly ở vùng dịch. Để chung tay phòng, chống dịch COVID-19, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp sức người, sức của, sẻ chia những khó khăn tại các khu cách ly, trong đó có hoạt động cung cấp các suất cơm miễn phí.

Những suất cơm nghĩa tình trên biên giới xứ Lạng ảnh 1Các tình nguyện viên tham gia nấu ăn gửi đến khu cách ly y tế tập trung của huyện Bắc Sơn. Ảnh:baolangson.vn

9 giờ sáng tại Trường Tiểu học thị trấn Na Sầm, huyện biên giới Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, hơn 20 người dân sinh sống xung quanh thị trấn đang tất bật với những công việc bếp núc. Trên khuôn mặt ai nấy đều lấm tấm mồ hôi, dù vậy không khó để thấy rõ niềm vui trong ánh mắt mỗi người.

Để nấu hơn 200 suất ăn miễn phí cho khu cách ly trên địa bàn, tổ bếp phải chuẩn bị nguyên liệu chế biến từ hôm trước; việc sơ chế thực phẩm, vệ sinh bếp ăn cũng được thực hiện từ 5 giờ sáng.

Bà Nguyễn Thị Hằng, sinh sống tại thị trấn Na Sầm cho biết, công việc nấu nướng khá nặng nhọc và có rất nhiều khâu. Vất vả hơn khi phải vào bếp trong thời tiết nắng nóng nhưng những người phục vụ trong tổ bếp vẫn luôn vui vẻ, nhiệt tình. Mọi công việc được phân công rõ ràng và đúng trình tự. Những suất ăn luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, thành viên tổ bếp luôn thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, vệ sinh vật dụng…

Trên địa bàn thị trấn Na Sầm có 5 điểm cách ly y tế. Ngay từ cuối tháng 5/2021, khi bắt đầu triển khai cách ly công nhân trở về từ vùng dịch, một số người dân ở thị trấn Na Sầm đã cùng nhau xây dựng bếp ăn tình nguyện. Na Sầm cũng là địa bàn đầu tiên của huyện biên giới Văn Lãng duy trì bếp ăn 2 lần/tuần để nấu hơn 1.000 suất ăn cho cán bộ y, bác sĩ, lực lượng phòng, chống dịch và người dân tại các khu cách ly.

Ông Nguyễn Minh Phúc, sinh sống ở thị trấn Na Sầm chia sẻ: “Trong các khu cách ly có những công nhân có hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều người ăn uống không đủ chất… Từ thực tế đó, người dân chúng tôi đã cùng nhau đóng góp công sức để làm các suất ăn miễn phí với tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”, người có điều kiện giúp đỡ người ít điều kiện hơn, người ở ngoài hỗ trợ người cách ly. Việc làm tuy nhỏ bé nhưng hy vọng sẽ góp phần giúp họ yên tâm thực hiện cách ly, sớm trở về với gia đình và địa phương”.

Từ cuối tháng 5/2021 đến giữa tháng 7/2021, huyện biên giới Văn Lãng có trên 600 người thực hiện cách ly tại Trung tâm Y tế huyện và 11 điểm cách ly tại các xã, thị trấn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Văn Lãng Phùng Thị Bích Thuận, thời gian qua, những bếp ăn tình nguyện đã làm hàng nghìn suất ăn miễn phí để đưa đến các khu cách ly, qua đó góp phần giảm bớt khó khăn cho những người đang thực hiện cách ly tập trung. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Văn Lãng cũng trực tiếp kết nối với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn để vận động hỗ trợ kinh phí, công nấu cho các bếp ăn…

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 13 cơ sở phục vụ ăn uống cho khu cách ly tập trung và nhiều bếp ăn tình nguyện do những nhóm thiện nguyện lập ra. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã thành lập nhiều đoàn; tiến hành kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm tại các khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết tại các khu cách ly tập trung chấp hành tốt các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định. Trong đó, khu vực nhà bếp đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường; nguyên liệu chế biến thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; nhân viên chế biến có đủ trang phục bảo hộ lao động; thực phẩm chuyển đi được bao gói trong hộp kín, đảm bảo an toàn theo quy định và trong quá trình vận chuyển có lưu mẫu thức ăn…

Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Nam Dũng cho biết, trong quá trình kiểm tra, giám sát, các đoàn còn kết hợp hướng dẫn cách lưu mẫu thực phẩm; phát tờ rơi hướng dẫn, tuyên truyền các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm tới các bếp ăn phục vụ khu cách ly nhằm hạn chế, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Đối với các điểm bếp nấu ăn tình nguyện, do hoạt động không thường xuyên và không vì mục đích kinh doanh nên Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc các huyện, thành phố tạo điều kiện, hướng dẫn, giám sát hoạt động chặt chẽ, đúng quy định để vừa huy động được nguồn lực tham gia chống dịch, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm khi cung cấp suất ăn cho các khu cách ly.


Nguyễn Quang Duy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm