Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam:

Những ngòi bút vì cộng đồng (Bài 1)

Những ngòi bút vì cộng đồng (Bài 1)
Bài 1: Hơn 3.000 ngày truy tìm công lý 
Chưa từng học qua trường lớp báo chí nhưng cựu chiến binh, Nhà báo Trịnh Phi Long khiến nhiều người nể phục bởi sự bền bỉ, kiên trì theo đuổi đến cùng sự thật. Từ các bài viết của ông, nhiều vụ việc oan sai đã được làm sáng tỏ, trả lại công bằng, cuộc sống an yên cho đồng đội và người dân địa phương.
Cựu chiến binh, nhà báo Trịnh Phi Long (trái) trao đổi kinh nghiệm nghề báo với phóng viên TTXVN. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Cựu chiến binh, nhà báo Trịnh Phi Long (trái) trao đổi kinh nghiệm nghề báo với phóng viên TTXVN. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Kiên trì bám đuổi vấn đề
Năm 1993, sau 18 năm phục vụ trong quân ngũ, cựu tù binh Côn Đảo Trịnh Phi Long (sinh năm 1952) về hưu, chuyển sang làm cộng tác viên và trở thành phóng viên Báo Cựu Chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù chưa từng học qua lớp báo chí chính quy nhưng với tình yêu văn thơ, sự khích lệ của nhiều nhà báo, đồng đội, ông Trịnh Phi Long bắt đầu viết bài báo đầu tiên là truyện ký kể về hồi ức trong những năm tháng khi ở tù tại Côn Đảo.
 
Trong thời gian này, ông Phi Long được phân công theo dõi mảng pháp luật. Nhận thức rõ vai trò người làm báo với nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các cựu chiến binh, ông Phi Long đã chủ động tham gia lớp học về luật để nắm rõ lĩnh vực mình đang viết.

Nhà báo Phi Long chia sẻ: “Muốn viết hay, viết tốt trước hết cần phải hiểu về lĩnh vực mình đang làm. Nếu không hiểu, thì khó có thể viết đúng, chính xác”.
 
Một kỷ niệm  được nhiều người nhắc đến chính là loạt 150 bài viết của ông trong suốt 10 năm ròng rã đi tìm công lý cho cựu chiến binh - Trung tá Hải quân Phạm Sinh Dần ở huyện Bình Chánh.
 
Nhà báo Phi Long chia sẻ: Vào khoảng năm 2001, qua thông tin của anh em, đồng đội, biết được ông Dần đang kêu oan và bị Toà án nhân dân huyện Bình Chánh xử thua trong một vụ tranh chấp nhà, đất.

Qua tìm hiểu được biết, vào khoảng năm 1984, ông Dần đã mua một mảnh đất có nhà ở của một người dân tại địa phương (đây là đất được nhà nước cấp theo tiêu chuẩn vùng kinh tế mới).
 
Ông Dần và người bán đã tới Ủy ban nhân dân xã làm giấy tờ. Do thời đó đất đai chưa được quyền sang nhượng như bây giờ nên người bán đất làm đơn trả lại đất cho ủy ban, còn ông Dần làm đơn xin cấp nhà đất.

Hội đồng cấp nhà đất của Ủy ban nhân dân xã đã cấp lại cho ông Dần mảnh đất và căn nhà đó. Số tiền mua nhà, đất của ông Dần trao cho người bán được ghi là tiền đền bù hoa màu.

Tới năm 1994, người bán nhà cho ông Dần từ Australia trở về Việt Nam và đâm đơn kiện đòi lại mảnh đất đã bán. Không may, công tác quản lý hồ sơ tại địa phương thời đó còn chưa chặt chẽ, hồ sơ gốc thất lạc, Tòa án dựa trên lời khiếu kiện của người kia đã phân xử ông Dần thua cuộc, phải trả lại nhà đất.
 
Quyết tâm đòi lại công bằng cho đồng đội, Nhà báo Phi Long đã lặn lội tìm được 5/6 thành viên Hội đồng cấp nhà đất của Ủy ban nhân dân xã Phạm Văn Hai - là những người đã chứng kiến vụ mua - bán và cấp đất cho ông Dần năm xưa (người thứ 6 đã mất).

Cả 5 người đều xác nhận sự thật là ông Dần đã mua mảnh đất đó. Bên cạnh đó, ông Phi Long cũng đi tìm nhân chứng ít ỏi biết rõ sự tình để củng cố chứng cứ, tư liệu cho những bài viết của mình.
 
Với những bằng chứng có được, quyết tâm đeo đuổi sự việc đến cùng, Nhà báo Phi Long đã viết hơn 150 bài báo đăng ở các báo: Cựu Chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh, Cựu Chiến binh Việt Nam, Pháp luật, Công lý, Sài Gòn Giải phóng, ròng rã 10 năm trời để đi tìm sự thật và công lý.

Những bài báo và sự kiên trì, tâm huyết của Nhà báo Phi Long đã được đền đáp khi năm 2011, ông Trương Hòa Bình (lúc đó là Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao) đã hủy bản án cũ, giao trả hồ sơ cho Tòa án huyện Bình Chánh xử lại.

“Qua truy xét lại tài liệu, chứng cứ, tòa án đã tuyên ông Dần thắng kiện. Lúc đó, tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm vì mình đã cố gắng hết sức, đồng hành với ông Dần trên con đường tìm lại công lý”, Nhà báo Phi Long nhớ lại.
 
Khi được hỏi lý do tại sao có thể kiên trì, bám đuổi sự việc này đến cùng, Nhà báo Phi Long chỉ cười hiền và nói: Tôi chỉ cảm thấy trách nhiệm người làm báo là cần dùng ngòi bút để tìm, làm sáng tỏ và đưa sự thật ra ánh sáng. 
 
Rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng
Ngoài ông Dần, nhiều trường hợp oan sai khác cũng được Nhà báo Phi Long đấu tranh không ngừng nghỉ, tìm lại công bằng, đưa sự thật ra ánh sáng.

Nhà báo Phi Long chia sẻ, các trường hợp này phải đến tận nơi, đúng người, đúng chỗ để tìm hiểu sự tình. Từ những chứng cứ thu thập được, cùng với kiến thức về pháp luật đã được học, Nhà báo Phi Long từ từ lần tìm ra mấu chốt vấn đề, kiên trì làm sáng tỏ sự thật, tìm lại công lý cho người bị hại.
Nhà báo Trịnh Phi Long (trái) trao đổi kinh nghiệm nghề báo với phóng viên TTXVN. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Nhà báo Trịnh Phi Long (trái) trao đổi kinh nghiệm nghề báo với phóng viên TTXVN. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN          
 
Cũng may vào thời đó, ông không gặp bất kỳ sự đe dọa nào trong quá trình tác nghiệp. Thêm vào đó, ông có được sự quan tâm, động viên của Thủ trưởng, lãnh đạo các báo và đồng nghiệp. Sự quan tâm, ủng hộ ấy đã tiếp thêm động lực, giúp ông quyết tâm kiên trì, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, Nhà báo Phi Long chia sẻ.
 
Đến nay, dù tuổi đã cao, sức khỏe ảnh hưởng từ  vết thương bị tra tấn từ những ngày lao tù Côn Đảo, Nhà báo Phi Long vẫn là cây bút chắc, khỏe, tích cực tham gia cộng tác, viết bài cho nhiều tờ báo lớn nhỏ của Thành phố Hồ Chí Minh.

Các bài viết của ông tập trung phản ánh, nêu gương người tốt việc tốt, chia sẻ khó khăn với cộng đồng và tìm giải pháp, mong muốn người dân có cuộc sống an vui, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, ông cũng là tác giả của rất nhiều bài báo đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, kiên định bảo vệ quan điểm nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng và lợi ích dân tộc.
 
Nói về Nhà báo Phi Long, Thượng tá Lại Giang, Bí thư Chi bộ, Phó Tổng Biên tập Báo Cựu Chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Rất tiếc do sức khỏe, Nhà báo Phi Long đã nghỉ làm việc tại báo nhưng ông vẫn tiếp tục là một cộng tác viên tích cực, hiệu quả của báo.

Những năm tháng rèn luyện trong ngục tù Côn Đảo và môi trường quân ngũ đã giúp Nhà báo Phi Long có được một bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên quyết.

Những bài báo sắc sảo, đầy tính chiến đấu của Nhà báo Phi Long chống lại những quan điểm sai trái, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ Đảng, Nhà nước thể hiện cái tâm trong sáng và nhiệt huyết của một nhà báo cách mạng, một chiến sỹ dũng cảm trên mặt trận tư tưởng.
 
Chia sẻ kinh nghiệm làm báo với phóng viên trẻ, Nhà báo Phi Long cho rằng, các bạn trẻ đang có nhiều điều kiện thuận lợi để làm báo, nhất là trong thời buổi công nghệ hiện đại như hiện nay.

Tuy vậy, bên cạnh việc chú trọng khai thác những đề tài hay, thời sự nóng bỏng của xã hội, Nhà báo Phi Long cho rằng, phóng viên trẻ cũng cần trau dồi đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng - đó là phẩm chất quan trọng của một nhà báo cách mạng để đấu tranh với những luận điệu sai trái, đi ngược lại lợi ích người dân và dân tộc./.
                 Xuân Khu - Gia Thuận
  Bài 2: Phóng viên “nhí” đam mê và nhiệt huyết
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm