Những điểm sáng trong dồn điền đổi thửa ở Quảng Ngãi

Những điểm sáng trong dồn điền đổi thửa ở Quảng Ngãi
Quảng Ngãi sản xuất lúa gạo hữu cơ chất lượng cao. Ảnh: Lê Phước Như Ngọc - TTXVN
Quảng Ngãi sản xuất lúa gạo hữu cơ chất lượng cao.
Ảnh: 
Lê Phước Như Ngọc - TTXVN

Nếu như trước kia, những gia đình làm nông nghiệp ở xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức thường được chia ruộng ở những cánh đồng khác nhau, sau khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, họ chỉ nhận ruộng tại một thửa nên rất  thuận lợi trong việc chăm bón lúa. Không chỉ vậy, với một số cánh đồng ở vị trí cao, chính quyền vận động người dân chuyển đổi sang những cây trồng khác như lạc, bí đao, sắn,...

Bà Phan Thị Thứ, xã Đức Hiệp chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi có 4 sào ruộng nhưng được cấp ở 3 vị trí khác nhau, bất tiện trong việc chăm sóc. Nhưng nay xã thực hiện dồn điền đổi thửa, đất đai không còn manh mún nên việc chăm sóc, thu hoạch đều thuận lợi. Thêm vào đó, đường, kênh mương nội đồng được mở rộng nên bà con rất vui mừng”.

Khi triển khai dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, một số hộ dân băn khoăn, lo lắng trong việc phân chia diện tích ruộng, vì cho rằng sẽ không công bằng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Để thực hiện dồn điền đổi thửa đạt hiệu quả, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền vận động, ngoài ra còn vận động nhân dân góp công sức để thực hiện chủ trương này.

Ở một số vùng ruộng cao phải cải tạo đất thì công khai cho dân biết tránh tình trạng lợi dụng việc san ủi cải tạo đồng ruộng thì ít mà lấy đất sét bán cho các cơ sở làm gạch ngói thì nhiều. Cách triển khai dồn điền đổi thửa ở Đức Hiệp phù hợp lòng dân nên được người dân tham gia ủng hộ.

Nhờ đó, đến nay Đức Hiệp có 172 ha được dồn điền đổi thửa, xây dựng 22 ha trồng dâu nuôi tằm và 160 héc ta ruộng lúa, dẫn đầu huyện Mộ Đức về công tác này. Ông Huỳnh Văn Như, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Đức Hiệp cho hay, trong dồn điền đổi thửa, yếu tố quyết định nhất là phải tạo sự đồng thuận cho nhân dân. Muốn như vậy, ngay từ đầu phải tổ chức họp dân tận các khu dân cư để triển khai sơ đồ thiết kế, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, phương án chia ruộng dồn điền để nhân dân đóng góp. Mọi việc phải công khai minh bạch để người dân biết, yên tâm và sẽ thực hiện.

Tại huyện Đức Phổ, khi triển khai công tác dồn điền đổi thửa, các địa phương của huyện gặp không ít khó khăn, vướng mắc về phương pháp, cách làm và đặc biệt là một số người dân chưa đồng thuận vì sợ mất “bờ xôi, ruộng mật”. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì giải thích, vận động của chính quyền các thôn, xã, cộng với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương nên người dân đã đồng tình, tin tưởng tham gia.

Ông Nguyễn Quang Thống, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ cho biết, bất kỳ việc gì khi mới bắt đầu triển khai người dân chưa hiểu cũng sẽ gặp khó khăn. Do đó, để dồn điền đổi thửa thành công thì phải chọn những cánh đồng có nhiều thuận lợi và vận động người dân ủng hộ thực hiện để làm trước. Từ đó, cho người dân các thôn khác thấy được thành công và sẽ ủng hộ.

Trên địa bàn huyện Đức Phổ, sau gần 4 năm triển khai chủ trương dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp, diện tích dồn điền đổi thửa đã tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2015, mới chỉ có 2 xã thực hiện được 64 ha, thì đến đầu năm 2018, đã có 13 xã thực hiện với diện tích gần 1.200 ha. Năm 2018 này, các xã trong huyện tiếp tục đăng ký thực hiện 500 ha. Hiện các xã đang chuẩn bị các khâu như họp dân, thông qua sơ đồ thiết kế, phương án thi công để ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu 2018 là khẩn trương thực hiện thi công ngoài thực địa và bốc thăm, chia lại ruộng để cho người dân kịp sản xuất vụ Đông Xuân 2018 - 2019.

Ông Nguyễn Tấn Lái, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Phổ cho biết, để thực hiện tốt kế hoạch dồn điền đổi thửa năm 2018 của Uỷ ban nhân dân huyện, Phòng phối hợp với các cơ quan liên của huyện và chính quyền các xã tăng cường công tác tuyên truyền vận động để nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về lợi ích của dồn điền đổi thửa.

Đối với những đồng ruộng đã thực hiện dồn điền đổi thửa yêu cầu tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để cấp lại cho người dân; trích ngân sách hỗ trợ cho các đồng ruộng thực hiện dồn điền đổi thửa xây dựng hệ thống kênh mương và giao thông nội đồng để phục vụ nhân dân sản xuất được thuận lợi hơn.

Tính đến nay, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa trên diện tích 4.541 ha, xây dựng được 150 cánh đồng mẫu lớn với diện tích gần 3.000 ha. Trong đó, huyện Đức Phổ dẫn đầu với 1.200 ha, huyện Tư Nghĩa gần 800 ha. Việc dồn điền đổi thửa được tiến hành chủ yếu trên những cánh đồng lúa và đồng mía. Sau khi dồn điền đổi thửa, số thửa giảm từ 3-4 thửa/hộ xuống còn 1-2 thửa/hộ với diện tích tối thiểu là 1.000 m2/thửa.

Việc thực hiện dồn điền đổi thửa tạo thuận lợi để phát triển giao thông, kênh mương nội đồng để đưa cơ giới vào sản xuất. Để thực hiện việc chuyển đổi, năm 2018 tỉnh có kế hoạch hỗ trợ 62 tỷ đồng để các địa phương thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo ngành nông nghiệp đưa giống lúa mới và hướng dẫn các biện pháp thâm canh cho người dân. Nhờ đó, ở vùng dồn điền đổi thửa năng suất lúa đạt trên 70tạ/ha và năng suất mía đạt từ 80 - 100 tấn/ha, cao hơn 30% so với khi chưa chuyển đổi.
Đinh Thị Hương

Có thể bạn quan tâm