Những bước chân vững vàng nơi biên ải huyện A Lưới

Những bước chân vững vàng nơi biên ải huyện A Lưới

Đứng chân trên địa bàn các xã biên giới miền núi còn nhiều khó khăn của huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nhâm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc đường biên cột mốc quốc giới, đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững chắc gắn với phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đơn vị còn giúp đỡ một bản giáp biên của nước bạn Lào tạo dựng cuộc sống mới ổn định, không còn du canh, du cư như trước đây.

Những bước chân vững vàng nơi biên ải huyện A Lưới ảnh 1Cán bộ Đồn Biên phòng Nhâm thăm hỏi người dân bản Sê Sáp (Lào). Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Băng rừng, đội mưa đi tuần tra

 Khi tiếng kẻng vang lên dồn dập trong khu vực doanh trại, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nhâm nhanh chóng thức dậy, bắt đầu một ngày mới với những công việc, nhiệm vụ cụ thể. Đội tuần tra cột mốc gồm 7 người với quân tư trang đầy đủ và vũ khí trên vai nhanh chóng tập hợp tại sân đơn vị để nghe Phó Đồn trưởng phổ biến nội dung kế hoạch hành quân đến cột mốc quốc giới 650 nằm bên cạnh dòng sông A Sáp trên tuyến biên giới Việt - Lào.

Thiếu tá Nguyễn Nhật Thông, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhâm chia sẻ, đơn vị được giao quản lý đoạn biên giới có chiều dài hơn 31 km với 9 cột mốc quốc giới. Hàng tháng, Đồn sẽ triển khai các đội tuần tra cột mốc một lần. Cột mốc xa nhất phải đi bộ trong rừng ba ngày hai đêm mới đến nơi, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, chiến sỹ để vượt qua địa hình đồi núi hiểm trở, cheo leo.

Vùng biên giới A Lưới đang trong thời gian cao điểm của mùa mưa. Những lớp sương mù giăng kín đỉnh núi làm hạn chế tầm nhìn. Hành quân được nửa chặng đường, Đội tuần tra cột mốc 650 đã phải thay đổi lộ trình do nước lũ bất ngờ dâng cao, không thể lội qua dòng suối theo như kế hoạch ban đầu mà phải chuyển hướng, băng rừng, đi theo hướng khác để tiếp cận vị trí cột mốc. Dưới cơn mưa rừng nặng hạt, những đồng chí dày dạn kinh nghiệm, thông thạo địa hình nhất được cử đi đầu, dùng rựa phát cỏ dại mở đường đi đến cột mốc.

Sau nhiều giờ hành quân, đội tuần tra đã đến được cột mốc 650 nằm bên dưới tán cây rừng, nơi dòng suối đang ào ạt đổ về xuôi. Trong giây phút thiêng liêng thực hiện nghi thức đứng chào cột mốc quốc giới, gương mặt của những người lính đều toát lên niềm tự hào bởi nơi đây là tấc đất, cương vực của Tổ quốc, tạo lên dáng hình chữ S của đất nước. Những người lính Biên phòng vinh dự được trao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và bảo vệ. Chính vì vậy, dù có khó khăn, gian khổ đến mấy, người chiến sỹ không bao giờ sờn lòng, chùn bước.

Đồn Biên phòng Nhâm quản lý khu vực biên giới trải dài trên địa bàn bốn xã Hồng Bắc, Hồng Thái, Hồng Thượng, Quảng Nhâm của huyện A Lưới, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu. Đồn có nhiều mô hình, cách làm hay phối hợp với chính quyền địa phương trong tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Thượng tá Lê Xuân Thanh, Chính trị viên Đồn cho biết, 4 xã thuộc địa bàn đơn vị quản lý đều có cán bộ của Đồn Biên phòng Nhâm được cử về tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã. Những đồng chí này là cầu nối quan trọng giữa Đồn Biên phòng với chính quyền các xã nơi đóng quân, chủ động tham mưu trong công tác đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số… góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.

Đổi thay ở bản Sê Sáp


Trạm Kiểm soát Biên phòng Hồng Thái thuộc Đồn Biên phòng Nhâm nằm trên một đỉnh núi cao, từ đây nhìn xuống là dòng sông A Sáp uốn lượn, ẩn mình trong những tán cây rừng. Nằm cách Trạm Kiểm soát khoảng 3km đường rừng là bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào), nơi sinh sống của hơn 47 hộ dân, với 247 nhân khẩu.

Được người dân bản Sê Sáp thông báo có người bị ốm nhiều ngày, mong muốn nhờ bác sỹ của Đồn Biên phòng Nhâm qua thăm khám, lãnh đạo đơn vị cử Trung tá Phạm Tấn Thành, cán bộ quân y cùng một số đồng chí trong đơn vị lên đường qua làm nhiệm vụ.

Những bước chân vững vàng nơi biên ải huyện A Lưới ảnh 2Cán bộ quân y Đồn Biên phòng Nhâm thăm khám bệnh cho người dân bản Sê Sáp (Lào). Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Con đường mòn từ Trạm Kiểm soát Biên phòng Hồng Thái qua bản Sê Sáp được cải tạo, nâng cấp nhiều lần nên xe ô tô có thể chạy qua tới tận bản. Nằm trên vị trí sườn đồi với địa hình tương đối bằng phẳng, những ngôi nhà gỗ của người dân bản Sê Sáp được bố trí ở ven hai bên trục đường chính, ngay ở đầu bản là nhà văn hóa và một điểm trường học, đây đều là những công trình do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ kinh phí và giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai xây dựng để trao tặng cho người dân của nước bạn Lào.

Đối với người dân ở bản Sê Sáp, Trung tá Phạm Tấn Thành như người thầy thuốc của thôn bản bởi vị trí của bản nằm cách xa trung tâm huyện Kà Lừm, người dân khi đau ốm đều nhờ cán bộ quân y Biên phòng qua thăm khám, phát thuốc. Những trường hợp bệnh nặng, phải cấp cứu được đơn vị làm thủ tục nhanh chóng để đưa xuống Trung tâm Y tế huyện A Lưới điều trị. Từ khi về ổn định cuộc sống tại đây, nhiều hủ tục lạc hậu của người dân được xóa bỏ hoặc dần thay đổi, dịch bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng cũng ít hơn.

Trước đây, hàng chục hộ dân ở bản Sê Sáp sống du canh, du cư, nay đây, mai đó dọc khu vực biên giới, cuộc sống bấp bênh dựa chủ yếu vào những sản vật thu lượm từ núi rừng. Từ thực tế đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế và lực lượng bảo vệ biên giới của tỉnh Sê Kông thống nhất, tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền hai nước lên kế hoạch vận động, giúp đỡ người dân chọn đất, lập làng để ổn định cuộc sống từ năm 2010.

Những bước chân vững vàng nơi biên ải huyện A Lưới ảnh 3Bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm (Sê Kông, Lào). Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Thượng tá Lê Xuân Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm nhớ lại, những ngày đầu xây dựng bản Sê Sáp vô cùng khó khăn khi phải ổn định cuộc sống cho hàng chục hộ dân. Mọi thứ đều phải bắt đầu từ con số không, đường sá đi lại cách trở, khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Với sự đồng lòng, quyết tâm của những người lính Biên phòng hai bên biên giới và người dân địa phương, những ngôi nhà gỗ khang trang, vững chãi của người dân dần được dựng lên. Cuộc sống sum vầy nơi bản mới dần hình thành. Qua hơn 10 năm xây dựng, cuộc sống của người dân ở Sê Sáp đổi thay rất nhiều, ánh sáng từ dòng điện chạy bằng sức nước qua tuabin trên những khe suối phủ khắp các gia đình nơi đây, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí hàng ngày, phát triển sản xuất của bà con.

Những bước chân vững vàng nơi biên ải huyện A Lưới ảnh 4Cán bộ Đồn Biên phòng Nhâm kiểm tra sinh trưởng cây lúa và hướng dẫn người dân bản Sê Sáp (Lào) cách chăm sóc cây lúa. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Theo Trưởng bản Sê Sáp Bua Thong, tình nghĩa của những cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nhâm đối với dân bản không thể kể hết bằng lời. Bà con từ chỗ cuộc sống “bữa đói nhiều hơn bữa no”, nay đã biết khai hoang đất đồi để trồng lúa rẫy, trồng những vườn kiệu xanh tốt, phát triển chăn nuôi để chủ động nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ và biết buôn bán, giao thương với bên ngoài.

Cuộc sống mới của người dân bản Sê Sáp như một minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt, gắn bó bền chặt giữa cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nhâm với đồng bào các dân tộc ở hai bên khu vực biên giới Việt Nam - Lào nơi đơn vị đóng quân. Dải đất biên cương của Tổ quốc luôn in dấu chân của những người lính Biên phòng mang theo trái tim nhiệt huyết và quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ngày một ấm no hơn.

Đỗ Trưởng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm