Nhọc nhằn "Gieo chữ" dưới chân đêò Đắk Nuê

Nhọc nhằn "Gieo chữ" dưới chân đêò Đắk Nuê
Buôn Đắk Sar được thành lập vào năm 2011, chủ yếu là đồng bào người Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào, nên nhiều người vẫn quen gọi là “làng Mông”. Nơi đây cũng được mệnh danh là buôn “5 không” (không đường, không điện, không nước, không chợ, không hộ khẩu) của huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk). Cơ sở hạ tầng thiếu thốn nên cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Buôn có 263 hộ với 1.029 nhân khẩu thì có đến 246 hộ nghèo. Dẫu cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng người dân nơi đây vẫn luôn chăm lo cho con em họ được ăn học đàng hoàng. Thầy Trần Văn Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm cho biết: Đầu năm 2014, trường được thành lập trên cơ sở tách ra từ điểm lẻ của Trường Tiểu học Lý Tự Trọng. Trường có điểm chính tại buôn Đlei, 2 điểm lẻ tại buôn Pai Pi và buôn Đắk Sar với tổng số 270 học sinh (HS), trong đó HS dân tộc thiểu số là 251 em. Điểm trường buôn Đắk Sar có nhiều HS nhất và cũng là buôn xa xôi, khó khăn nhất. Giáo viên ở đây chịu nhiều vất vả, thiệt thòi vì phải sống xa gia đình, điều kiện ăn ở, sinh hoạt thiếu thốn,...
 
Một tiết học của cô trò Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm (điểm học buôn Đắk Sar).
Một tiết học của cô trò Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm (điểm học buôn Đắk Sar).
Từ Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm đến điểm trường buôn Đắk Sar chỉ hơn 5 km nhưng chúng tôi phải mất tới 30 phút để băng qua những con dốc khúc khuỷu, đầy ổ gà, ổ voi. Được gặp và tâm sự với các thầy cô giáo nơi đây mới cảm nhận được lòng yêu nghề của những người đang ngày đêm âm thầm “gieo chữ” nơi làng Mông heo hút này. Điểm trường Đắk Sar có 199 HS với 8 lớp học. Tuy mới được đầu tư xây dựng nhưng do không đủ cơ sở vật chất nên trường phải mượn 2 phòng học của điểm Trường Mầm non Hoa Cúc để dạy học. Nhà nội trú cho giáo viên chưa có nên các thầy cô giáo phải tận dụng nơi để đồ dùng học tập, đồ chơi làm chỗ ở. Giường ngủ và nơi soạn bài cũng được “linh động” ghép mấy bộ bàn ghế lại với nhau. Ở đây không có chợ nên các thầy cô phải dự trữ thức ăn trong cả tuần. Đời sống tinh thần cũng chẳng có gì vì không có điện, sách báo, tivi, sóng điện thoại thì chập chờn... Kể lại những ngày đầu về với điểm trường Đắk Sar, cô H’Diệu Triếk (SN 1991), nhớ lại: Nhà ở xã Bông Krang (cách Đắk Sar hơn 40 km) nên cô “cắm buôn” hằng tuần, thậm chí cả tháng mới về nhà. Những ngày đầu vào nhận công tác, do đường trơn trượt, lầy lội lại chưa quen đường nên bị té ngã thường xuyên. Do chưa có điện nên vào buổi tối, nhìn xuống buôn thấy leo lắt mấy ngọn đèn dầu mà cảm thấy chạnh lòng. Nước sinh hoạt thì lúc có lúc không nên các cô thường phải đến nhà người dân dùng nhờ, còn các thầy thì phải đi bộ ra suối cách trường 1 km để tắm giặt. Những lúc ấy muốn bỏ nghề về nhà, nhưng rồi nghĩ đến bọn trẻ, nhớ những ánh mắt tròn xoe, ngây thơ khát khao con chữ của các em là không dứt ra được... Với cô Nguyễn Thị Ngọc Phượng (SN 1992), giáo viên Trường Mầm non Hoa Cúc (điểm lẻ buôn Đắk Sar) thì từ ngày đến với Đắk Sar, các cô luôn “làm bạn” với mì tôm, chuối rừng, rau lá, lâu lâu mới có con cá, chút thịt tươi sống đổi vị. Tối đến không điện, các cô lại lủi thủi soạn bài bên ngọn đèn dầu giữa bốn bề núi rừng hoang vu. Mặc dù cuộc sống ở đây khó khăn, vất vả, nhưng bù lại HS lại hiếu học, chăm ngoan, phụ huynh thì rất quý mến thầy cô giáo.

Thầy Trương Văn Tuyển (SN 1987) nhà ở tận huyện Krông Bông tâm sự: “Do nhà xa nên cả tháng mới về một lần. Cuộc sống vật chất thiếu thốn nhưng chúng tôi cũng cố gắng vượt qua được, chỉ thương HS nơi đây còn nhiều vất vả. Từ sáng sớm tinh mơ, từng tốp HS phải lội bộ mấy cây số để đến trường. Có em nhà cách điểm trường hơn 10 cây số nên phải dậy từ 4 giờ sáng, nắm tay đứa em lớp dưới cùng tới trường”. Em Lồ Seo Phóng (HS lớp 5) vui vẻ nói: “Em đi học lúc 5 giờ sáng kia, thức dậy nắm lấy gói xôi là đi liền. Đường đi xa nên phải chịu khó thôi, nhiều hôm trời mưa to em vẫn đến trường, ít khi nghỉ học lắm…”. Còn em Trương Thị Thải thổ lộ: “Xa thì xa nhưng bước hoài cũng đến. Trên đường rủ thêm 3, 4 bạn khác vừa đi vừa nói chuyện sẽ vui và nhanh đến lớp hơn”. Cô H’Phin Êung (SN 1986), giáo viên chủ nhiệm lớp 5 chia sẻ: Lớp có 21 HS, đa phần là dân tộc Mông. Nhà các em ở khá xa điểm trường và có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Tuy nhiên, không vì thế các em chểnh mảng chuyện học tập, mà ngược lại các em rất chuyên cần và ham học. Như em Thải, em Phóng nhà cách xa trường 10 km nhưng rất ít khi nghỉ học, năm nào cũng đạt HS khá, giỏi.

Đến với Đắk Sar, chúng tôi càng thấu hiểu thêm những thiệt thòi của các thầy cô giáo nơi vùng sâu, vùng xa. Tuy còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng những người đang thầm lặng “gieo chữ” nơi làng Mông nghèo khó này luôn hy vọng về một tương lai không xa sẽ đổi khác. Và chúng tôi tin rằng, niềm mong mỏi của các thầy cô sẽ sớm trở thành hiện thực, bởi lẽ, chỉ có cái chữ, có tri thức khoa học mới dẫn dắt con người vượt qua lạc hậu, đói nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
 
Báo Điện tử Đắk Lắk

Có thể bạn quan tâm