Nhiều thành phố lớn trên thế giới sẽ đối mặt với thời tiết khắc nghiệt "chưa từng thấy"

Nhiều thành phố lớn trên thế giới sẽ đối mặt với thời tiết khắc nghiệt "chưa từng thấy"
Trẻ em giải nhiệt tại một đài phun nước trong thời tiết nắng nóng tại Milan ngày 26/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Trẻ em giải nhiệt tại một đài phun nước trong thời tiết nắng nóng tại Milan ngày 26/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà nghiên cứu về khí hậu tại Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ đã phân tích dữ liệu của 520 thành phố trên khắp thế giới, bao gồm tất cả các thủ đô và phần lớn các trung tâm đô thị với dân số trên 1 triệu người, qua đó dự báo những kịch bản sẽ xảy ra nếu nhiệt độ Trái Đất tăng gần 1,5 độ C là mức mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Jean Francis-Bastin, kết quả cho thấy đến năm 2050, khoảng 22% các thành phố được nghiên cứu nói trên sẽ chứng kiến thời tiết cực đoan chưa từng xảy ra, như mùa khô và mùa mưa khắc nghiệt hơn. Trong đó, 64% là các thành phố nằm ở vùng nhiệt đới, bao gồm Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia), Yangoon (Myanmar) và Singapore.
 
Cảnh khô hạn trên cánh đồng ở Cibarusa, Bekasi, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN
 Cảnh khô hạn trên cánh đồng ở Cibarusa, Bekasi, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Khí hậu tại khoảng 77% các thành phố trong nghiên cứu cũng sẽ thay đổi đáng kể sau 30 năm nữa, theo đó điều kiện khí hậu tại nhiều thành phố ở Bắc bán cầu có thể tương tự tại những nơi cách đó hơn 1.000 km về phía Nam hướng tới xích đạo. Các thành phố ở vùng nhiệt đới sẽ ít thay đổi về nhiệt độ trung bình, tuy nhiên sẽ thay đổi về lượng mưa, dẫn đến nguy cơ lũ lụt hoặc hạn hán nghiêm trọng.

Tại châu Âu, nhiệt độ tại các thành phố sẽ tăng trung bình thêm khoảng 2,5 độ C trong cả năm, trong khi mùa Hè và mùa Đông có thể tăng thêm lần lượt 3,5 độ và 4,7 độ C. Theo kịch bản nghiên cứu, khí hậu của London (Anh) vào năm 2050 có thể sẽ tương tự khí hậu Barcelona (Tây Ban Nha) hiện nay, thành phố Madrid (Tây Ban Nha) sẽ tương tự Marrakesh (Maroc). Tại Mỹ, khí hậu ở Seattle sẽ giống San Francisco. Trung bình nhiệt độ toàn cầu sẽ có thể tăng thêm 2,4 độ C, đủ để làm chết hầu hết các dải san hô. Măng tăng nhiệt độ này cao hơn mục tiêu của Hiệp định Paris hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

 Đây là công trình nghiên cứu toàn cầu đầu tiên về nguy cơ tình hình thời tiết thay đổi tại nhiều thành phố lớn trên thế giới do Trái Đất ấm lên nếu các chính phủ không tích cực triển khai kế hoạch nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà khoa học cho rằng nghiên cứu này có thể giúp các chính quyền thành phố điều chỉnh kế hoạch nhằm ngăn chặn những rủi ro cụ thể do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng góp phần thúc đẩy người dân thế giới thay đổi hành vi để giảm khí thải gây ra tình trạng Trái Đất ấm lên.
 
Nguyễn Hằng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm