Nhìn nhận gói 30.000 tỷ đồng theo lợi ích tổng thể

Nhìn nhận gói 30.000 tỷ đồng theo lợi ích tổng thể
Thưa ông, hầu hết người dân mong muốn Chính phủ tiếp tục mở rộng khoản vay với lãi suất ưu đãi để người dân có cơ hội mua nhà, ông có ý kiến gì về vấn đề này? 

Chúng ta cần hiểu rõ, gói vay 30.000 tỷ đồng được áp dụng vào thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức hơn 5%. Trước thực tế trên, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thông qua gói hỗ trợ cho thị trường bất động sản ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp để khơi thông “cục máu đông” trong nền kinh tế. Dự tính, gói 30.000 tỷ đồng đến hết thời hạn sẽ giải ngân được khoảng 90% và quan trọng hơn, có thể thấy “cục máu đông” bất động sản đã được giải quyết. Như vậy, vai trò của gói hỗ trợ này coi như đã hoàn thành. 

Khi “cục máu đông” đã được xử lý thì vai trò của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhà nước đã giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo chính sách hỗ trợ mới cho người dân.

Cần làm gì để đảm bảo hài hòa lợi ích của cả Nhà nước và người dân trong việc thực hiện các gói hỗ trợ tín dụng, thưa ông? 

Theo tôi, gói hỗ trợ đó phải đặt trong tổng thể nền kinh tế vĩ mô chứ không thể vì một nhóm lợi ích trong thị trường bất động sản mà Nhà nước lại phải tung ra một gói mới hoặc kéo dài thời hạn gói đó ra và gây ra bất ổn về vĩ mô. 

Đối với những đối tượng lao động nghèo có thể thuê nhà ở xã hội, trong Hiến pháp 2013 đã có một khâu đột phá là Nhà nước đảm bảo quyền có chỗ ở cho người dân chứ Nhà nước không phải đảm bảo quyền sở hữu nhà ở cho người dân. 

Khi người dân đã mua, đã ký hợp đồng, họ phải biết thời hạn của khoản vay là bao nhiêu, phải thảo luận kỹ với bên bán nhà về tiến độ xây dựng, giải ngân tín dụng. Người bán căn hộ cũng phải chia sẻ lợi nhuận lãi suất cho người mua chứ không phải dồn tất cả chi phí cho Nhà nước. 

Tiền ở các gói hỗ trợ đều là tiền thuế của nhiều người khác đóng vào để cho mấy chục nghìn người được vay. Do vậy, điều gì cũng có giới hạn, không thể đòi hỏi Nhà nước và những người dân khác phải đóng góp vào để cho một nhóm người vay được. 

Còn chủ đầu tư muốn bán được sản phẩm của mình phải chấp nhận chia sẻ khó khăn của thị trường với người mua chứ không phải đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước. Chúng ta cần nhìn vào mặt tích cực, sự cố gắng của Đảng và Nhà nước trong giải quyết lĩnh vực này, xử lý nền kinh tế vĩ mô, chứ không phải chỉ tập trung vào quyền lợi của riêng mấy chục nghìn người mua nhà. 

Theo ông, chúng ta cần những giải pháp gì để hỗ trợ cho người dân thu nhập thấp mua nhà trong thời gian tới? 

Theo tôi, thời điểm này, chúng ta cần hỗ trợ người lao động thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn tín dụng từ ngân hàng này lớn gấp nhiều lần so với gói 30.000 tỷ đồng. Khi chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội thì tất cả các thỏa thuận sẽ có thời hạn dài lâu chứ không phải nhất thời, ngắn như gói 30.000 tỷ đồng. 

Thị trường bất động sản cần có một cơ chế khác có tính chất ổn định dài lâu hơn và thị trường hơn. Hỗ trợ cho thị trường bất động sản nếu chỉ tập trung vào mỗi gói tín dụng như gói 30.000 tỷ đồng, mà không tập trung vào các chính sách khác như chính sách an sinh xã hội thì sẽ không tạo ra sự phát triển bền vững. Nhà nước cần chú trọng xây dựng các chính sách vĩ mô dài hơi chứ không thể chỉ chú trọng vào giải quyết vấn đề của riêng thị trường bất động sản.

Xin cảm ơn ông!
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm