Những năm gần đây, tại nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn được đánh giá là "nóng bỏng" bởi tính cạnh tranh khá quyết liệt. Tuy nhiên, con đường học tập của học sinh sau khi hoàn thành chương trình Trung học Cơ sở không chỉ giới hạn lựa chọn duy nhất là vào các trường Trung học Phổ thông công lập mà các em có thể chọn con đường khác tùy theo năng lực học tập, cũng như điều kiện, hoàn cảnh của bản thân và gia đình.
Chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp định hướng phân luồng
Công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở đang được tăng cường thực hiện ở nhiều địa phương nhằm góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu ngành nghề và trình độ phù hợp nhu cầu của nền kinh tế, tạo cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người. Vì vậy, học sinh sau khi học xong lớp 9 được định hướng vào các luồng chính gồm học tiếp lên Trung học Phổ thông, học trung cấp chuyên nghiệp hoặc hệ trung cấp nghề ở trường cao đẳng, vừa làm vừa học tiếp bậc Trung học Phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên hoặc bước vào thị trường lao động.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, mùa tuyển sinh lớp 10 năm nay toàn thành phố có trên 83.300 thí sinh đăng ký thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, trong khi đó các trường Trung học Phổ thông sẽ tuyển khoảng gần 68.000 học sinh. Đáng chú ý, ngoài số học sinh đã đăng ký dự thi vào các trường Trung học Phổ thông, năm nay Thành phố Hồ Chí Minh còn có khoảng hơn 16.000 học sinh lớp 9 không đăng ký thi vào lớp 10 mà lựa chọn nhiều con đường khác như học nghề tại các trường Trung cấp, Cao đẳng, học tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp…
Tại Thành phố Cần Thơ, đảm bảo phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở, năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường Trung học Phổ thông công lập ở Cần Thơ dao động từ 66% -76% (tùy theo khu vực quận hoặc huyện) số học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở. UBND thành phố Cần Thơ đã có văn bản yêu cầu các trường Trung học Phổ thông ngoài công lập, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường Trung cấp, Cao đẳng căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị để tuyển số học sinh chưa trúng tuyển vào lớp 10 Trung học Phổ thông công lập.
Học nghề cũng là một con đường
Mặc dù có nhiều con đường học tập phù hợp cho học sinh sau Trung học cơ sở song trong thực tế, nhiều phụ huynh vẫn mong muốn và hướng con em mình đăng ký vào một trường Trung học Phổ thông công lập. Dù có những em lực học khó có thể đáp ứng ở chặng đường học tập tiếp theo. Một giáo viên chủ nhiệm lớp 9 ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nói về đăng ký nguyện vọng thi vào lớp 10 giáo viên luôn mong những em có năng lực học tập phù hợp sẽ đạt được nguyện vọng là tiếp tục theo học ở một trường Trung học Phổ thông công lập. Nhưng cũng có trường hợp, các em say mê với một số nghề như sửa chữa điện, công nghệ thông tin song rất vất vả khi học các môn văn hóa ở trường. Những trường hợp này giáo viên gợi mở với phụ huynh nên tìm hiểu, đăng ký cho em theo học ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi học xong lớp 9 nhưng có phụ huynh tỏ ra không hài lòng. Vì vậy việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh và cả phụ huynh nhằm xác định rõ con đường học tập phù hợp năng lực của học sinh và điều kiện gia đình là rất cần thiết.
Đề cập về giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin để học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở nếu không học ở trường Trung học Phổ thông, có thể yên tâm chọn con đường học nghề, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (Thành phố Hồ Chí Minh), ông Phạm Hữu Lộc cho biết: Trường luôn chủ động liên hệ đến các trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông để cung cấp thông tin tuyển sinh, giới thiệu các ngành đào tạo; tổ chức cho học sinh phổ thông tham quan các ngành, nghề, xưởng thực hành của trường; tổ chức nhóm tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Đối với công tác đào tạo, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng quan tâm trang bị cho giảng viên các kiến thức về kỹ năng mềm, kỹ năng giảng dạy và hiểu biết tâm lý học sinh vừa qua bậc học Trung học Cơ sở để có phương pháp quản lý và giảng dạy phù hợp, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực để các em tích cực trong học tập, đạt chất lượng cao về kỹ năng, về chuyên môn.
Còn Thạc sỹ Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, đối với mỗi bậc phụ huynh, con lựa chọn đúng nghề nghiệp và thành công trong cuộc sống là niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, điều này chỉ trở thành hiện thực khi định hướng nghề nghiệp đúng, phù hợp với điều kiện, năng lực, đam mê của con và xu thế xã hội cần. Nghĩa là, ngay sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở học sinh đã có thể lựa chọn một trong nhiều con đường học tập phù hợp.
Đối với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu, các học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở có thể đăng ký vào học theo 3 hướng: Vừa học nghề và học chương trình văn hóa phổ thông với chương trình văn hóa 4 môn (Văn, Toán, Lý, Hóa), sau khi có bằng trung cấp nghề và hoàn thành chương trình văn hóa các em sẽ được học tiếp liên thông lên trình độ cao đẳng; vừa học nghề và học chương trình văn hóa Trung học Phổ thông, sau khi tốt nghiệp học sinh đủ điều kiện học liên thông lên cao đẳng, đại học; chỉ học trung cấp nghề.
Nhìn nhận dưới góc độ nguồn nhân lực, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm, thị trường lao động luôn cần nguồn nhân lực rất đa dạng nhiều ngành nghề thuộc các cấp bậc đại học, cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp. Do đó, mỗi học sinh, trên cơ sở năng lực, sở trường, điều kiện bản thân và gia đình cần lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.
Thanh Trà